Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn lực hiến máu an toàn, ổn định

Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực hiến máu an toàn, ổn định.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn lực hiến máu an toàn, ổn định ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực hiến máu an toàn, ổn định.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Người hiến máu 2017.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, người hiến máu tiêu biểu trong và ngoài nước, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển và duy trì nguồn nhân lực hiến máu an toàn, ổn định.

Đại diện Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu (IFBDO) cho rằng cần nâng cao hình ảnh và phương thức tuyên truyền vận động để thu hút đông đảo người hiến máu hơn. Các phương thức truyền thông cần phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

Trung tâm Truyền máu quốc gia, Hội Chữ thập Đỏ Thái Lan cũng chia sẻ mô hình Câu lạc bộ 25 mà đơn vị đã thực hiện để tuyển chọn và duy trì nguồn nhân lực hiến máu ổn định. Mô hình này tập trung vận động những người trong độ tuổi từ 17-25. Khi tham gia Câu lạc bộ 25 họ cần cam kết hiến máu 25 lần, hiến máu đến khi 25 tuổi và vận động 25 người cùng hiến máu.

Ngoài ra, thành viên Câu lạc bộ 25 cũng sẽ tham gia hỗ trợ các hoạt động hiến máu tại trường học, nơi làm việc và hoạt động tại Trung tâm Truyền máu quốc gia...

Ông Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, chia sẻ quy trình xây dựng lực lượng hiến máu dự bị mà Viện đang thực hiện để đảm bảo cung cấp nguồn máu an toàn, chất lượng và nhanh nhất đến người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

[Infographics] Hiến máu tình nguyện - những điều cần biết]

Ông Ngô Mạnh Quân cho hay lực lượng hiến máu dự bị là những người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hiến máu và đã từng hiến máu, có đăng ký với cơ sở y tế và biết trước nhóm máu của mình. Họ là những người làm việc, cư trú ổn định, lâu dài tại địa phương, được quản lý, theo dõi sức khỏe hàng năm. Lực lượng hiến máu dự bị cần cam kết sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào và chỉ hiến máu khi được yêu cầu...

Việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị an toàn và bền vững là hết sức cần thiết. Số lượng người hiến máu dự bị ở mỗi địa phương được xác định dựa vào nhu cầu máu, tần suất cần sử dụng máu, khả năng đáp ứng, quản lý, kinh phí đầu tư. Với những cộng đồng dân cư nhỏ, ít sử dụng máu thì ưu tiên tuyển chọn những người có nhóm máu O. Những địa phương có ít hơn 5.000 dân thì cần có 20-30 người hiến máu dự bị. Những địa phương từ 5.000-50.000 dân thì có 40-50 người hiến máu dự bị.

Sau sáu năm triển khai xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại 17 huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hiện tại các địa phương đã có tổng cộng 1.174 thành viên ngân hàng máu sống. Trong đó, hơn 51% là người có nhóm máu O./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục