Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Việc tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn hạn chế.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam ảnh 1Các đại biểu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp cùng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại thành phố (VCCI-HCM) tổ chức diễn đàn “Kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” (VietNam Responsible Business Forum).

Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của người lao động, các tổ chức xã hội và các cơ sở đào tạo thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề liên quan tới việc áp dụng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Theo ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại thành phố, sản xuất, thương mại và đầu tư quốc tế được tổ chức ngày càng chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ cho Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ được đặt tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Việc tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn hạn chế.

[Thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu]

Thống kê từ Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thường liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã nhập khẩu 47,1% đầu vào từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia liên kết chuỗi cung ứng này chỉ chiếm 21%, trong khi ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.

Khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các công ty tư nhân trong nước (chiếm 64%) và chỉ có 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua bán hàng cho các doanh nghiệp mua hàng bên thứ 3.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam ảnh 2Ông Võ Tân Thành, Giám Đốc VCCI-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh - phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Võ Tân Thành cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần nhiều là do doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất lao động thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến lao động tay nghề, việc kết nối với nguồn tài chính còn hạn chế, chưa ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn về phát triển bền vững...

Để giải quyết bài toán trên, theo Võ Tân Thành, các doanh nghiệp trong nước cần hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc được quốc tế công nhận về quyền con người, quản lý môi trường. Ngoài ra, việc liêm chính trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng cũng là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đại diện cho Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, ông Fredy Guayacan đánh giá cao về sự năng động và sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo môi trường kinh doanh mới, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi mới đây.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam ảnh 3Ông Fredy Guayacan, đại diện cho ILO tại Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo ông Fredy Guayacan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực đưa chương trình trách nhiệm xã hội vào hoạt động kinh doanh hàng ngày; đặc biệt, chính sách của các tỉnh, thành phố cũng có những thay đổi lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Ông Fredy Guayacan khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; có nghĩa vụ, trách nhiệm trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững toàn diện, phù hợp với các công cụ quốc tế.

Cùng quan điểm, ông Carsten Shittek - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam - cho rằng việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn vào năm 2020.

Việt Nam cần cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp lý và các thể chế... Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế cam kết cùng hành động, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới này mang lại.

Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tạo môi trường thuận lợi cho sự bền vững hơn của các chuỗi cung ứng tại Việt Nam; các thách thức và cơ hội cho việc kinh doanh, thể hiện qua cam kết của Việt Nam trong các hiệp định tự do thế hệ mới và việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế; đặc biệt là những chính sách và thực hành cần áp dụng tới đây nhằm đảm bảo việc quốc gia thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan tới quản lý lao động; tạo môi trường thuận lợi cho việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng liên quan tới các thực hành lao động mang tính trách nhiệm xã hội; tham gia hội thảo kỹ thuật về đối thoại ba bên cho ngành Thủy sản và đào tạo về khuôn khổ đánh giá trong chuỗi cung ứng nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục