Chiếc chân giả bằng gỗ niên đại 1.500 năm cổ nhất châu Âu

Các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ Áo thông báo đã phát hiện một vật mà họ tin là bộ phận cơ thể giả cổ nhất ở châu Âu, dưới hình dạng một chiếc chân bằng gỗ có niên đại 1.500 năm.
Chiếc chân giả bằng gỗ niên đại 1.500 năm cổ nhất châu Âu ảnh 1Phần mộ của một người đàn ông bị mất chân và mắt cá chân trái ở Hemmaberg. (Nguồn: AFP)

Các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ Áo (OeAI) ngày 14/1 thông báo đã phát hiện một vật mà họ tin là bộ phận cơ thể giả cổ nhất ở châu Âu, dưới hình dạng một chiếc chân bằng gỗ có niên đại từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.

Tại phần mộ của một người đàn ông bị mất chân và mắt cá chân trái ở Hemmaberg, miền Nam nước Áo, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một đai sắt và những phần còn sót lại của một khúc gỗ, cùng mẩu da thuộc, và họ cho rằng đây là một chiếc chân giả bằng gỗ.

Nhà khảo cổ Sabine Ladstaetter nhận định người đàn ông trên đã tìm cách khắc phục phần chân bị gãy bằng chiếc chân gỗ và đã có thể di chuyển dễ dàng nhờ chiếc chân giả này ít nhất từ hai năm trở lên.

Bà Ladstaetter cũng nhấn mạnh hài cốt của người đàn ông thể hiện dáng vẻ một người Frank có địa vị cao (người trong liên minh bộ lạc dân tộc Đức sống chủ yếu ở hạ lưu sông Rhine- sông lớn nhất châu Âu, vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên) đã được tìm thấy hồi năm 2013, nhưng chỉ đến thời điểm hiện tại các nhà khảo cổ mới có thêm những phát hiện “rất đáng ngạc nhiên” về chiếc chân giả này.

Theo bà Ladstaetter, việc lắp ghép chiếc chân giả nói trên đã chứng tỏ được kỹ thuật y khoa thành thục tại thời điểm đó.

Cho tới khi người Xlavơ đặt chân tới Hemmaberg vào thế kỷ thứ 7, nơi đây từng là thánh địa Cơ đốc giáo quan trọng nhất khu vực phía Bắc dãy núi Alps với sáu nhà thờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục