Chiến khu Đá Bàn: Từ chiến khu xưa đến miền quê trù phú

Với sự cần mẫn, sáng tạo, người dân Ninh Sơn (Khánh Hòa) đã đưa chiến khu Đá Bàn lồi lõm bởi những hố bom mìn năm xưa thành miền đất trù phú.
Chiến khu Đá Bàn: Từ chiến khu xưa đến miền quê trù phú ảnh 1Hồ thủy lợi Đá Bàn. (Nguồn: khanhhoa.gov.vn)

Chiến khu Đá Bàn, nay là xã miền núi Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, vốn là một thung lũng rộng lớn được rừng núi bao quanh.

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây đều được chọn làm căn cứ cách mạng đầu não ở tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi quê hương được giải phóng, với sự cần mẫn, sáng tạo, người dân nơi đây đã biến vùng thung lũng lồi lõm bởi những hố bom mìn ngày nào trở thành miền đất trù phú.

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng những dấu tích về chiến khu xưa vẫn còn hiện hữu ở Đá Bàn.

Đường đến căn cứ Đá Bàn bây giờ thuận lợi hơn xưa rất nhiều, chỉ cần đi xe máy khoảng 20 phút từ Quốc lộ 1A theo Tỉnh lộ 7 được trải nhựa bằng phẳng. Lối vào khu trung tâm căn cứ Đá Bàn xưa vẫn còn những hàng cây cao vút tỏa bóng mát.

Tấm bia về căn cứ cách mạng Đá Bàn đặt ở lưng chừng ngọn núi còn ghi rõ: “Nơi đây suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta từ năm 1945 đến 1975, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Khánh Hòa đã chọn làm địa điểm đóng quân để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân Khánh Hòa đi tới thắng lợi, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc."

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cũng đã ghi lại những ngày diễn ra cách mạng tháng Tám lịch sử, trong đó Đá Bàn là một trong những nơi có phong trào đấu tranh sôi nổi, góp phần quan trọng vào việc giành chính quyền sớm ở Ninh Hòa, qua đó cổ vũ nhân dân toàn tỉnh giành chính quyền.

"Tại Ninh Hòa, phong trào quần chúng lên rất mạnh. Trong các ngày 14, 15, 16 tháng Tám, quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở hầu hết vùng nông thôn. Tiếng trống mõ inh ỏi, đèn đuốc sáng rực ở các làng quanh thị trấn Ninh Hòa làm cho bọn ngụy quyền tay sai Nhật hoang mang cực độ... Sáng 17 tháng Tám, hàng vạn đồng bào các xã đổ ra đường biểu tình, tuần hành, kéo về thị trấn bao vây phủ đường như kế hoạch đã vạch sẵn. Tri phủ mang giấy tờ, ấn tín ra nạp cho cách mạng."

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đá Bàn là cơ quan đầu não của lực lượng cách mạng ở Khánh Hòa. Theo đó, tháng 3/1951, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định chuyển tất cả các cơ quan từ Hòn Hèo về Đá Bàn. Tháng 12 cùng năm, nơi này diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đá Bàn vẫn là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng nhất của lực lượng cách mạng tỉnh Khánh Hòa, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương nói riêng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975 nói chung.

Sau ngày đất nước thống nhất, chiến khu Đá Bàn trở thành miền đất thu hút người dân ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đến lập nghiệp, nhất là khi hồ Đá Bàn - hồ thủy lợi có sức chứa lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với 75 triệu m3 được xây dựng năm 1980.

Nhớ lại thời gian này, ông Phạm Hữu Trí, cựu chiến binh từng hoạt động tại căn cứ cách mạng Đá Bàn cho biết sau giải phóng, lực lượng cách mạng rút khỏi Đá Bàn, khu vực này trở nên hoang vu.

Khi xây dựng hồ Đá Bàn, hàng trăm người, chủ yếu là thanh niên ở miền Bắc vào đây thi công. Đất đai màu mỡ nhưng chưa được khai phá, khí hậu ôn hòa cùng với việc có nguồn nước dồi dào từ hồ Đá Bàn, vùng này trở nên rất thuận lợi cho sản xuất. Nhiều người nhận thấy đây là vùng đất lành nên đã ở lại lập nghiệp. Vì vậy, chẳng bao lâu sau, vùng thung lũng hoang vu đã trở thành cánh đồng lúa xanh tốt.

Với sự cần cù, sáng tạo, cùng tiềm năng sẵn có, người dân xã Ninh Sơn không bằng lòng với việc chỉ trồng lúa để có cái ăn, mà còn vươn lên làm giàu. Thế là nhiều mô hình sản xuất mới ra đời, người dân dần chuyển đổi sang trồng mía, phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi trâu, bò.

Nhờ có nguồn nước tưới nên năng suất mía ở Ninh Sơn luôn cao hơn nơi khác. Hàng chục năm trước, Ninh Sơn đã hình thành được vùng chuyên canh mía với diện tích gần 1.100ha, năng suất khoảng 60 tấn/ha. Mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ năm 2013 đến nay, người dân Ninh Sơn đã mạnh dạn đầu tư trồng tỏi Lý Sơn. Hiện nay, xã Ninh Sơn đã xây dựng được mô hình sản xuất tỏi Lý Sơn tập trung ở thôn 1, 2 với hơn 60ha, năng suất đạt 8 tấn/ha cho doanh thu gần 300 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất còn lãi hơn một nửa.

Tiếng lành “đồn xa” nên cư dân từ nhiều nơi khác về Ninh Sơn lập nghiệp ngày càng đông. Ninh Sơn hiện đã có trên 1.300 hộ dân sinh sống, hầu hết số hộ này đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên địa bàn xã còn có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như Raglai, Mường, Tày, Nùng, Thái, Ê Đê.

“Người dân trong xã đến từ nhiều địa phương khác nhau, thuộc các dân tộc khác nhau, nhưng khi đến Ninh Sơn, tất cả đều đoàn kết, đùm bọc, tương trợ nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho Ninh Sơn “thay da đổi thịt” như ngày hôm nay”, ông Bùi Đình Khương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Sơn cho biết.

Là xã miền núi nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Sơn hiện chỉ còn hơn 3%, thấp hơn mức bình quân chung của cả tỉnh. Cơ sở hạ tầng ở Ninh Sơn đã cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ khi trường học, trạm y tế đã được tầng hóa; các tuyến đường thôn, liên thôn được làm bằng bêtông kiên cố.

Nhà máy xử lý nước Đá Bàn công suất 4.000m3/ngày đêm không chỉ cung cấp nước sạch cho người dân trong xã mà còn cho nhiều địa phương lân cận; hệ thống kênh, mương dẫn nước từ hồ Đá Bàn đã vươn ra những cánh đồng ở xa trung tâm giúp nâng cao năng suất cho cây trồng… Tất cả đã và đang mang lại cuộc sống ấm no, thanh bình cho người dân Ninh Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục