''Chiến lược'' Twitter của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump không hề từ bỏ phương thức truyền thông yêu thích bấy lâu nay của mình là sử dụng mạng xã hội Twitter để thể hiện quan điểm.
''Chiến lược'' Twitter của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thegatewaypundit.com)

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump không hề từ bỏ phương thức truyền thông yêu thích bấy lâu nay của mình là sử dụng mạng xã hội Twitter để thể hiện quan điểm. Đây là nhận định của ông Gilles Paris, phóng viên thường trú báo Le Monde tại Washington, trong bài viết đăng ngày 7/1. Dưới đây là nội dung bài viết:

Sáng 6/1, ông Trump đã "rộn ràng bày tỏ sự vui sướng" trên tài khoản Twitter của mình vì thấy diễn viên hành động Arnold Schwarzenegger vất vả khi phải vào vai người kế nhiệm trong chương trình truyền hình thực tế The Apprentice. Ông "vui sướng" vì ngôi sao điện ảnh này là người đã không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Vào đêm hôm trước, ông Trump cảnh cáo hãng Toyota về dự án xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô ở Mexico để bán vào thị trường Mỹ. Trước đó một ngày (ngày 4/1), ông đã lôi kéo sự chú ý của các thành viên đảng Cộng hòa về điều mà ông cho là "trò hề" của Chuck Schumer - thủ lĩnh phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, liên quan đến cải cách an sinh xã hội của Tổng thống Barack Obama.

Ngày 3/1, ông cho rằng việc cơ quan tình báo Mỹ lùi cuộc họp báo liên quan đến vụ tin tặc Nga đột nhập vào máy chủ của đảng Dân chủ nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là điều "vô cùng kỳ quặc." Ngoài ra, ông cũng thông báo rằng sẽ tổ chức họp báo vào ngày 11/1. Ngày 2/1, ông viết trên tài khoản Twitter rằng mình đủ khả năng để ngăn chặn Bắc Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Không chỉ truyền tải thông điệp của bản thân, ông Trump thường có phản ứng tức thì đồng thời sử dụng "ồ ạt" chữ hoa và dấu chấm than. Ông là tác giả của gần 35.000 dòng trạng thái kể từ khi lập tài khoản @realDonaldTrump vào tháng 3/2009. Sau khi đắc cử vào ngày 8/11, ông đã đăng tải thêm 270 thông điệp mới. Khi được hỏi ý kiến về việc sử dụng mạng xã hội của Tổng thống đắc cử Trump, phát ngôn viên được bổ nhiệm của Nhà Trắng Sean Spicer đã phản đối quan điểm cho rằng Tổng thống đắc cử sử dụng mạng xã hội một cách bốc đồng, mà ngược lại, cho rằng đó là một "chiến lược" cụ thể.

Trên thực tế, ngoài việc thông tin liên lạc liên quan đến các công việc trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, ông trùm bất động sản còn sử dụng tài khoản Twitter của mình với một chiến lược nhằm hạ thấp các đối thủ trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ngày 2/1, ông đã phản ứng mạnh với quyết định của đảng Cộng hòa trong việc giảm bớt vai trò của Ủy ban kiểm tra tư cách các dân biểu, phản ứng của ông đã buộc đảng Cộng hòa họ rút lại quan điểm đó. Cũng trên Twitter, vào tháng 12/2016, ông đã đề cập đến các vấn đề phức tạp như chính sách "một Trung Quốc," hoặc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Chiến lược này đã tiếp tục được ông sử dụng mạnh mẽ, buộc báo chí phải liên tục theo dõi. Mặc dù báo giới ra sức chỉ trích và mỉa mai cách làm này của ông Trump song có một điều mà người ta không thể không thừa nhận là sự thành công của @ realDonaldTrump.

Vào tối 8/11, số người theo dõi tài khoản của ông Trump đã lên đến 12,9 triệu người. Như vậy, trong hai tháng tranh cử, ông đã thu hút được thêm được 6 triệu người theo dõi nhằm cập nhật các quan điểm và động thái của ông. Con số này cao hơn số người theo dõi tài khoản của kênh truyền hình mang quan điểm bảo thủ Fox News hay báo Washington Post vốn chỉ thu hút thêm khoảng 500.000-600.000 người theo dõi trong cùng thời gian.

Sự không chắc chắn của dòng trạng thái hay các phát ngôn không phù hợp của ông chính là điều thu hút mọi người. Họ luôn tự hỏi rằng đây đơn giản chỉ nhằm thử phản ứng hay là các chính sách đã được quyết định? Theo nhà báo David Brooks làm việc tại báo New York Times, việc ngồi nghiên cứu những lời nói của tổng thống mới đắc cử là một sự "lãng phí thời gian," bởi "các tuyên bố của ông chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý vào một thời điểm và sau đó chúng trở nên vô nghĩa." 

Tuy nhiên, tất cả mọi người có thể kiểm tra “công hiệu” của loại vũ khí không thông thường này khi hãng tin Tân Hoa Xã ngày 5/1 đã phải bày tỏ "nỗi ám ảnh" với "nền ngoại giao Twitter" của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong lĩnh vực kinh tế, chiến lược của ông Trump cũng có những hiệu ứng tương tự khi Toyota bị cảnh báo áp thuế cao hay nhà thầu vũ khí Lockheed-Martin buộc phải hạ giá máy bay chiến đấu F-35 sau khi ông Trump viết vài dòng trên Twitter và gây áp lực, khiến giá cổ phiếu của hãng này giảm sâu. Giá trị vốn hóa thị trường của Lockheed Martin đã sụt khoảng 4 tỷ USD trong cùng ngày./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục