Chiếu “Pháo đài Brest” chào mừng những ngày văn hóa Belarus

Trình chiếu “Pháo đài Brest” chào mừng những ngày văn hóa Belarus

Nhân “Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam,” Hội hữu nghị Việt Nam-Belarus phối hợp cùng Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam đã tổ chức trình chiếu bộ phim "Pháo đài Brest."

Nhân “Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam” từ ngày 3-7/11, chiều 2/11, tại Rạp chiếu phim Thánh Gióng, số 7 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Belarus phối hợp cùng Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam đã tổ chức giới thiệu và trình chiếu bộ phim "Pháo đài Brest" tới các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam-Belarus cùng đông đảo sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ yêu mến và mong muốn tìm hiểu văn hóa Belarus.

Phát biểu tại buổi chiếu phim, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Belarus Nguyễn Thái Lai, đại diện cho toàn thể Hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam-Belarus phát biểu bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và chính trị ổn định mà nhân dân Belarus đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn nhân dân Belarus đã dành sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Belarus và ông Svetlov Boris Vladimirovich, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Belarus cùng bày tỏ các hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Belarus tại Việt Nam” sẽ góp phần giúp nhân dân Việt Nam thêm hiểu và yêu mến đất nước Belarus xinh đẹp; góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Belarus ngày càng bền chặt, hiệu quả thiết thực.

Bộ phim "Pháo đài Brest" kể về cuộc chiến khi phátxít Đức tấn công Liên Xô sáng sớm 22/6/1941, tại pháo đài Brest ở biên giới phía Tây có khoảng 8.000 chiến sỹ Hồng quân. Họ phải đối đầu với 17.000 lính bộ binh và toàn bộ hỏa lực pháo binh, không quân, xe tăng của địch tiến ào ạt vào biên giới Liên Xô.

Quân Đức không nghi ngờ gì và cho rằng đến trưa 22/6/1941 sẽ chiếm được toàn bộ pháo đài.

Thế nhưng phải đến một tuần sau chúng mới phá vỡ được tuyến phòng thủ này. Sau khi pháo đài thất thủ, các chiến sỹ Hồng quân sống sót vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường gần một tháng nữa.

Những dòng chữ để lại trên các bức tường ở tầng hầm pháo đài đã chứng tỏ điều đó: "Tôi chết, nhưng quyết không chịu đầu hàng!" và bên dưới dòng chữ được vạch trên đá ấy là: "20 tháng 7 năm 1941"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục