Chìm thuyền chở người di cư tại Hy Lạp, nhiều người mất tích

Một thuyền chở khoảng 40 người di cư đã bị đắm sáng 7/7 trên hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, làm ít nhất 1 người thiệt mạng, 18 người mất tích.
Chìm thuyền chở người di cư tại Hy Lạp, nhiều người mất tích ảnh 1Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes sau một vụ chìm tàu chở người di cư. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, một thuyền chở khoảng 40 người di cư đã bị đắm sáng 7/7 trên hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, làm ít nhất 1 người thiệt mạng, 18 người mất tích và 21 người đã được cứu sống nhưng chưa rõ quốc tịch.

Địa điểm thuyền đắm nằm giữa hai hòn đảo nhỏ Agathonisi và Farmakonisi của Hy Lạp, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 10 hải lý.

Trong thời gian qua, các nước châu Âu đã tăng cường chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn tại biển Địa Trung Hải sau khi xảy ra liên tiếp các vụ chìm thuyền chở người di cư làm hàng nghìn người thiệt mạng.

Tuy vậy, các sứ mệnh giải cứu mới chỉ tập trung ở khu vực miền Đông Địa Trung Hải, nơi mức độ di cư theo tuyến đường biển từ Libya tới Italy từ đầu năm đến nay đã vượt qua các kỷ lục trước đó, kéo theo nguy cơ xảy ra các vụ đắm thuyền gia tăng.

Trong nửa đầu năm 2015, hơn 68.000 người di cư - chủ yếu là người tị nạn Syria, Afghannistan và Iraq - đã vượt qua chặng đường biển ngắn từ Thổ Nhĩ Kỳ để tới các đảo của Hy Lạp. Con số này cao gấp đôi tổng số người đến được các đảo Hy Lạp trong năm 2014.

Làn sóng người nhập cư gia tăng mạnh mẽ càng gây thêm khó khăn cho Hy Lạp vốn đã và đang trầy trật vì cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này.

Người đứng đầu làng duyên hải Lesvos trên hòn đảo cùng tên của Hy Lạp cho biết trong năm nay, đảo Lesvos đã tiếp nhận số người từ nơi khác đến đông nhất từ trước đến nay và hiện chính quyền địa phương không còn khả năng giải quyết nơi ăn chỗ ở cho người nhập cư nữa. Một số hòn đảo lân cận cũng gặp phải tình cảnh tương tự.

Theo bà Laura Padoan, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tuyến đường biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù ngắn song vẫn rất nguy hiểm.

Bà Padoan nhấn mạnh "điều mà chúng ta cần ở đây là các tuyến đường hợp pháp và an toàn tới châu Âu để người ta không phải chết trong hành trình tới đó."

Bà Padoan cũng chia sẻ nỗi khó khăn với Hy Lạp khi nước này vừa phải chống chọi cuộc khủng hoảng tài chính vừa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng và cho rằng châu Âu cần có nỗ lực tập thể để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục