Chín tháng thử nghiệm khả năng thích ứng của con người trong vũ trụ

Một tiến sỹ y khoa tại trạm nghiên cứu Nam Cực của Anh sắp tiến hành hàng loạt các thử nghiệm khoa học để tìm hiểu khả năng thích nghi của con người, trước khi có chuyến thám hiểm vũ trụ dài ngày.
Chín tháng thử nghiệm khả năng thích ứng của con người trong vũ trụ ảnh 1Bà Thu Jennifer Ngô Anh. (Ảnh: ESA)

Một tiến sỹ y khoa tại trạm nghiên cứu Nam Cực của Anh sắp tiến hành hàng loạt các thử nghiệm khoa học để tìm hiểu khả năng thích nghi của con người với cuộc sống tại những nơi xa xôi và tách biệt, nhằm chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm vũ trụ dài ngày sau này.

Một trong những thử nghiệm được thực hiện với sự hợp tác của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ được thực hiện tại trạm Halley thuộc tổ chức Khảo sát Nam cực của Anh (British Antarctic Survey – BAS), với các nhân viên của trạm sinh hoạt trong môi trường mô phỏng một chuyến bay vào không gian trong suốt thời gian mùa đông Nam Cực.

Mục đích của thử nghiệm này là nghiên cứu khả năng duy trì các kỹ năng đã được huấn luyện trong thời gian 9 tháng mùa đông tại một nơi hoàn toàn biệt lập và bị bóng tối bao phủ trong suốt 4 tháng. Các thành viên tham gia nghiên cứu đang được huấn luyện trong thiết bị mô phỏng (tương tự như không gian mô phỏng dùng để huấn luyện phi hành gia ở Trung tâm Phi hành gia châu Âu ở Cologne, Đức) nhằm phục vụ việc thực hiện kết nối tàu vũ trụ Soyuz vào Trạm vũ trụ Quốc tế.

Trạm nghiên cứu Halley sẽ là nơi ở của 13-52 nhà khoa học và các nhân viên chức năng (tùy thuộc vào từng thời điểm trong năm), và nằm cách nước Anh hơn 10.000 dặm. Trạm sắp tiến vào mùa đông Nam Cực với nhiệt độ có thể xuống tới -50 độ C, kèm theo hơn 4 tháng liền không có ánh mặt trời.

Giáo sư David Vaughan, Giám đốc khoa học của BAS cho biết: “Chúng tôi rất vui khi hợp tác với ESA để trạm Halley được sử dụng làm nơi nghiên cứu cho các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Qua việc hợp tác với ESA, chúng tôi sẽ đóng góp một phần vào việc đảm bảo cho phi hành gia có thể hoạt động an toàn khi thực hiện các nhiệm vụ tương lai trong không gian.”

Đội nghiên cứu tại trạm Halley sẽ sống trong những điều kiện tương tự như các đội nghiên cứu tại Concordia – một trạm nghiên cứu hợp tác giữa Pháp và Italy ở phía bên kia châu lục – ngoại trừ vị trí của họ là ở ngang mực nước biển. Các đồng nghiệp của họ tại Concordia sống ở độ cao 3.200m so với mặt nước biển, trong điều kiện thiếu oxy, tương ứng với độ cao 3.800m tại xích đạo.

Bác sỹ Nathalie Pattyn thuộc trạm Halley cho biết: “Thử nghiệm này sẽ được tiến hành tại cả Concordia và trạm Halley để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới phi hành gia khi họ tham gia vào những nhiệm vụ dài ngày trong vũ trụ.

Cuộc sống ở trạm Halley giống với cuộc sống trong vũ trụ ở nhiều mặt: các thành viên sẽ hoàn toàn bị tách biệt với phần còn lại của thế giới, không được thấy ánh mặt trời và sống thành từng nhóm rất nhỏ. Việc so sánh các dữ liệu nghiên cứu từ Halley và Concordia sẽ giúp chúng tôi tìm ra ảnh hưởng của tình trạng thiếu oxy bên cạnh các vấn đề về sự biệt lập và tù túng.”

“Chúng tôi cũng đang tiến hành các thử nghiệm khác trong điều kiện mùa hè Nam Cực, khi ánh sáng luôn phản chiếu lấp lánh, và trong mùa đông Nam Cực, khi bóng tối ngự trị. Các điều kiện này đã tạo nên một phòng thí nghiệm tự nhiên độc nhất vô nhị nhằm thử thách phản ứng của cơ thể người với ánh sáng.

Một trong những nghiên cứu này sẽ kiểm tra khả năng thích nghi của mắt trong điều kiện bóng tối kéo dài. Một nghiên cứu khác thì xem xét ảnh hưởng của các hoạt động cơ thể và đồng hồ sinh học tới giấc ngủ.”

Một trong số các thử nghiệm khác sẽ được tiến hành trong thời gian 9 tháng sắp tới yêu cầu các thành viên trong nhóm nghiên cứu ghi lại nhật ký bằng video của họ. Các đoạn video này sẽ được một thuật toán máy tính phân tích dựa trên các thông số như cao độ giọng nói hay cách dùng từ, qua đó mở ra cái nhìn mới trong quan trắc trạng thái tâm lý và khả năng thích nghi với căng thẳng trong các chuyến bay dài ngày vào vũ trụ.

Tiến sỹ Jennifer Ngo-Anh của ESA cho biết: “Việc sử dụng trạm Halley VI như một phòng nghiên cứu cho các nhà khoa học châu Âu sẽ giúp thu thập các dữ liệu, trải nghiệm và kiến thức quan trọng để chuẩn bị cho các nhiệm vụ dài hơi của con người tới Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn thế nữa.”

Tiến sỹ Thu Jennifer Ngô Anh (tên thường gọi Jennifer Ngô Anh), một nhà khoa học châu Âu gốc Việt Nam, một trong những nhà quản lý dự án Sao Hỏa 500 của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Bà không chỉ nhận đơn mà còn tham gia hội đồng xét tuyển tình nguyện viên châu Âu và Canada. 

Phần tuyển các tình nguyện viên Nga do Viện Nghiên cứu Các vấn đề y học và sinh học ( IMBP) của Nga phụ trách. Thông báo cho biết chỉ chọn 12 người có thể chịu đựng những điều kiện vô cùng khắc nghiệt tóm lại trong 6 từ "cô lập, tù túng cực kỳ" của một chuyến bay đi về sao Hỏa trong vòng 520 ngày.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục