Chính giới Đức kêu gọi ngừng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ

Các chính đảng của Đức bày tỏ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ phát triển theo khuynh hướng chế độ độc tài, đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của quốc gia này.
Chính giới Đức kêu gọi ngừng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 17/4, sau khi phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng với 51,5% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hôm 16/4, Liên minh cánh tả và đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) đã kêu gọi chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, Phó Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Manfred Weber cho rằng việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên đầy đủ có thể không phải là mục tiêu của EU.

Ông Weber cũng đã mô tả viễn cảnh trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ là một "ảo tưởng" và cần loại vấn đề này ra khỏi các nghị sự đàm phán.

Tương tự ông Weber, bà Julia Klöckner, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), chia sẻ trên báo Huffington Post rằng "Cánh cửa trở thành thành viên EU hiện tại là dứt khoát và sự gia nhập EU bây giờ đã lỗi thời." 

Bà Julia bày tỏ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển theo khuynh hướng chế độ độc tài.

Ngoài ra, Chính phủ liên bang Đức cũng đã có những bình luận về kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi thận trọng và bình tĩnh trước kết quả bỏ phiếu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Tổng thống Erdogan tìm kiếm "cuộc đối thoại tôn trọng lẫn nhau" với tất cả các lực lượng chính trị và xã hội ở nước này" sau cuộc trưng cầu ý dân nói trên.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lại chững lại 2 năm sau đó liên quan tới vấn đề đảo Cyprus.

Hồi tháng 11/2016, EP đã thông qua nghị quyết đóng băng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nước này "ngừng chiến dịch trấn áp chưa từng có tiền lệ" liên quan tới vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ ông Erdogan hồi trung tuần tháng Bảy năm ngoái.

Tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây càng thêm khó khăn khi phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp của nước này đã chiến thắng, tạo điều kiện cho Tổng thống Erdogan gia tăng cường quyền lực.

Theo quan điểm của phương Tây, những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là trái với các tiêu chuẩn về dân chủ của EU.

[Trưng cầu ý dân sửa đổi Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ: Con dao hai lưỡi]

Ngay sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp, chính quyền Ankara đang xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 9 tháng qua.

Kênh truyền hình NTV và CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận thông tin trên và cho biết quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng an ninh tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra tại phủ Tổng thống từ lúc 16 giờ 30 phút (giờ GMT) ngày 17/4.

Sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016 khiến hơn 240 người thiệt mạng và khoảng 2.200 người bị thương, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước nhằm bảo đảm an ninh.

Cũng trong ngày 17/4, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho biết Tổng thống Erdogan đã bày tỏ rõ ràng quan điểm rằng ông không có kế hoạch giải tán Quốc hội cũng như kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn dự kiến vào năm 2019.

Ông Erdogan khẳng định các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức đúng kế hoạch vào tháng 11/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục