Chính phủ Argentina vẫn chưa hóa giải được nguy cơ vỡ nợ

Cuộc gặp ngày 11/7 giữa phái đoàn Argentina và nhóm các chủ nợ, luật sư của Tòa án Mỹ đã không có tiến triển để Buenos Aires tránh được kịch bản vỡ nợ.
Chính phủ Argentina vẫn chưa hóa giải được nguy cơ vỡ nợ ảnh 1Ông Daniel Pollack, luật sư được Tòa án Mỹ chỉ định tham gia đàm phán với phái đoàn Argentina và các chủ nợ Mỹ. (Nguồn: AFP)

Ngày 11/7, tại New York (Mỹ), các quan chức của Argentina và nhóm các chủ nợ đã có các cuộc gặp (tách biệt nhau) với ông Daniel Pollack, luật sư được Tòa án Mỹ chỉ định, nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để Buenos Aires tránh được kịch bản vỡ nợ.

Theo phán quyết hồi trung tuần tháng Sáu vừa qua của Tòa án Mỹ, ngày 30/7 tới là thời hạn cuối cùng Argentina - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latinh - phải trả 1,3 tỷ USD tiền trái phiếu và tiền lãi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó hai chủ nợ lớn nhất là NML Capital và Aurelius Management - những quỹ đã từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ giai đoạn 2005-2010 của Buenos Aires.

Phán quyết cấm Argentina trả nợ cho các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu, nếu nước này không đồng thời thanh toán nợ cho các quỹ trên.

Đến ngày 30/7 tới, nếu các bên vẫn "tay trắng," Argentina có nguy cơ phải tuyên bố vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm (kể từ năm 2001). Đây là một thách thức lớn đối với Chính phủ Argentina trong nỗ lực đưa nền kinh tế nước này sớm trở lại thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, luật sư Daniel Pollack vẫn hy vọng các bên "sẽ có một cuộc đối thoại trong tương lai." Còn Bộ Kinh tế Argentina, trong một thông báo mới công bố, khẳng định quốc gia này mong muốn tiếp tục đối thoại để có thể đạt được một giải pháp với các điều kiện công bằng, hợp lý hợp tình và hợp pháp đối với 100% các chủ nợ.

Sau khi tuyên bố vỡ nợ vào năm 2001, lần lượt vào năm 2005 và 2010, đại đa số các chủ nợ của Argentina đã đồng ý tái cơ cấu 93% số trái phiếu của Chính phủ Argentina mà họ đang nắm giữ. Nhưng một số chủ nợ còn lại (trong đó có NML Capital và Aurelius Management) đã từ chối xóa nợ và đòi Argentina phải trả cả gốc lẫn lãi. Điều này đã gây căng thẳng giữa Argentina và các chủ nợ Mỹ, kéo dài đến giữa tháng 6/2014.

Với sự hỗ trợ của hệ thống tòa án ở Mỹ, các chủ nợ Mỹ hiện đang gây sức ép đòi Argentina phải trả một số tiền gấp nhiều lần giá trị số công trái mà các quỹ này đã mua lại với giá rẻ mạt từ các nhà đầu tư đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục