Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô

Mục tiêu đến năm 2020 duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp và tạo ra giá trị trong nước đến sau 2018; tăng trưởng lành mạnh nhu cầu ôtô trong nước, phù hợp với điều kiện về hạ tầng cơ sở...
Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô ảnh 1Lắp ráp ôtô tại cơ sở của công ty trong Khu Phức hợp Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Mục tiêu đến năm 2020 duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp và tạo ra giá trị trong nước đến sau 2018; tăng trưởng lành mạnh nhu cầu ôtô trong nước, phù hợp với điều kiện về hạ tầng cơ sở, tránh gây tác động xấu đến môi trường, xã hội; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của công nghiệp ôtô; cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí hậu cần, và giá bán xe; hội nhập với mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Kế hoạch hành động nêu rõ, về điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến ôtô, từ năm 2015, duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ôtô (SCT/OT/VAT; phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường…) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.

Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa. Giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ôtô chưa sản xuất được ở trong nước, và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ôtô được giảm thuế nhập khẩu.

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển; bổ sung một số linh kiện, phụ tùng ôtô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao; bố trí nguồn vốn nhất định từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho các doanh nghiệp vay đầu tư trang thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ôtô với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và nới lỏng điều kiện thế chấp.

Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ôtô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp ôtô, và định hướng rõ ràng cho những dự án, nhà đầu tư mới.

Về phát triển nguồn nhân lực, tiến hành rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề,…); rà soát, sửa đổi các nội dung giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ôtô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện); xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ôtô với sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục