Chính phủ Brazil nỗ lực ngăn Quốc hội phế truất Tổng thống

Chính phủ của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã quyết định kháng cáo việc Quốc hội nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống.
Chính phủ Brazil nỗ lực ngăn Quốc hội phế truất Tổng thống ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: politicoscope.com)

Ngày 14/4, Chính phủ của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã quyết định kháng cáo việc Quốc hội nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, thông tin trên đã được luật sư José Eduardo Cardozo, thuộc Cơ quan Tổng Luật sư (AGU), một cơ quan ngang bộ, cho biết trong một cuộc họp báo. Ông Cardozo cũng nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành những thủ tục cần thiết chống lại việc này.

Thông cáo của AGU ra cùng ngày tố cáo quy trình nhằm đưa Tổng thống Rousseff ra xét xử trong phiên tòa chính trị ở Quốc hội vi phạm mọi nguyên tắc tố tụng và quyền bào chữa của nhà lãnh đạo này.

Theo AGU, cho tới nay, những người thúc đẩy việc phế truất Tổng thống Rousseff không đưa được bất cứ lý do cụ thể và chính xác nào để đưa bà này ra xét xử.

Về phần mình, Tổng thống Rousseff tố cáo đây là một âm mưu đảo chính và chỉ đích danh tên Phó Tổng thống Michel Temer và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha chủ mưu.

Hai ông này đều là thủ lĩnh của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), chính đảng lớn nhất ở nước Nam Mỹ, từng tham gia liên minh với chính phủ tới cuối tháng 3 vừa qua.

Bà Rousseff cũng đã nhóm họp với các bộ trưởng và Tổng thống tiền nhiệm Lula da Silva, cũng như các nghị sỹ thuộc Đảng Lao động (PT) cầm quyền để bàn biện pháp ngăn cản Quốc hội phế truất bà.

Dự kiến, ngày 15/4, Hạ viện Brazil sẽ bắt đầu họp phiên toàn thể để xem xét việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff vào ngày 17/4. Nếu Hạ viện thông qua với 2/3 số phiếu trong tổng số 513 ghế ở viện này ủng hộ, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện.

Trong trường hợp 41 trên tổng số 81 nghị sỹ tại Thượng viện thông qua, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer.

Trả lời báo giới cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Edinho Silva thừa nhận hoàn cảnh hiện nay của Tổng thống Rousseff là "khó khăn." Trong vòng một tháng gần đây, bốn chính đảng tham gia liên minh với chính phủ đã lần lượt tuyên bố rời bỏ nội các và quay ra ủng hộ phe đối lập bỏ phiếu phế truất bà Rousseff.

Trong bối cảnh đó, người ủng hộ cũng như những người yêu cầu bãi nhiệm bà Rousseff đã phát động một cuộc tuần hành lớn vào cuối tuần tới. Nhằm đề phòng với khả năng xảy ra xung đột giữa những người biểu tình, cảnh sát Brazil thông báo sẽ huy động thêm 3.000 binh lính tăng cường an ninh, đồng thời dựng nhiều hàng rào sắt xung quanh Quốc hội cũng như những địa điểm trung tâm tại các thành phố chính trên cả nước.

Giám đốc cảnh sát thành phố Brasilia cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ huy động tới 10.000 binh sĩ ở thủ đô để đảm bảo không xảy ra bạo động.

Liên quan đến phản ứng các nước và các tổ chức trong khu vực về tình hình tại Brazil hiện nay, Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro cho biết sẽ tới Brazil ngày 15/4 để bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff.

Trước đó, Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper cũng bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị ở Brazil trong bối cảnh những thủ tục đưa Tổng thống Rousseff ra luận tội vẫn được tiến hành bất chấp việc không có bằng chứng cụ thể về việc nhà lãnh đạo này phạm tội.

Chính phủ các nước Argentina, Ecuador, Bolivia và Venezuela cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống Rousseff, đồng thời kêu gọi các đảng phái ở Brazil tôn trọng nền dân chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục