Chính phủ cầu thị, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu

Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, để có hiệu quả.
Chính phủ cầu thị, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Anh Linh/TTXVN)

Chiều 10/11, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban Giám sám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã đồng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số viện nghiên cứu về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội; đồng thời trao đổi về các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Việc làm này thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khai thác nguồn lực tri thức từ các nhà khoa học

“Đây là buổi mở đầu cho việc cầu thị của Thủ tướng với các nhà khoa học, của Chính phủ với các viện nghiên cứu, muốn nói sự tôn trọng, sự cầu thị rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Đồng thời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lắng nghe ý kiến đó với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, để có hiệu quả.

Chuyển lời của Thủ tướng tới các nhà khoa học, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng ghi nhận trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu, nhiều kiến nghị của các viện nghiên cứu đã được đánh giá là sâu sát, kịp thời, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, đưa vào thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô, đóng vai trò quan trọng trong công tác điều hành các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp khó lường, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có bước chuyển căn bản về chất, về hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Hiện Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển với trình độ cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong quá trình này, Chính phủ phải giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, nợ công, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, quản lý và xử lý dứt điểm nợ xấu, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Để làm được điều này, phải có cơ chế nghiên cứu trao đổi thông tin, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của các viện nghiên cứu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình điều hành, Thủ tướng muốn lắng nghe các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học của các viện nghiên cứu dự báo và đề xuất các giải pháp tích cực nhất để xử lý trong các thời kỳ, thời điểm.

Trên cơ sở nhìn nhận thời gian qua, đề xuất của các viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành chỉ báo cáo lên cơ quan chủ quản, Bộ trưởng đề cập đến vấn đề việc cập nhật, phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan trực thuộc bộ với Chính phủ. “Thủ tướng có nói cách thức thế nào chứ không thể để đội ngũ cán bộ tri thức, giáo sư, tiến sỹ đông thế mà không có sự tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng,” Bộ trưởng khẳng định.

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học chủ động hơn trong công tác nghiên cứu, đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành vĩ mô với Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ. Hướng nghiên cứu cần thể hiện tầm nhìn chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu các vấn đề dài hạn, trung hạn và trước mắt, giữa tình hình quốc tế và bối cảnh trong nước. Các kết quả nghiên cứu thực sự góp phần vào dự báo xu hướng phát triển và cung cấp căn cứ khoa học trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các giai đoạn.

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chú trọng kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp các dữ liệu, căn cứ khoa học lý luận cho việc hoạch định xây dựng chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong các giai đoạn. Đây là cầu nối kênh thông tin quan trọng, chính thống trong việc công bố, tuyên truyền các kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập, có tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách của Nhà nước đến cộng đồng khoa học và đến nhân dân, tạo sự đồng thuận, sự tin tưởng của xã hội về quá trình triển khai chính sách kinh tế-xã hội.

Các nhà khoa học đều bày tỏ cảm kích trước sự cầu thị này, cho rằng cần khai thác nguồn lực tri thức từ đội ngũ các nhà khoa học, mà trước hết là nhà khoa học ở các viện nghiên cứu trong những cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà khoa học nào cũng dám nói, cũng dám đề xuất, nhất là đề xuất những vấn đề “động chạm” đến lợi ích của một bộ, ngành nào đó, thậm chí là chính bộ, ngành mình. Chính vì vậy, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói, “Văn phòng Chính phủ chưa nhận được ý kiến đề xuất nào của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ, đó là điều đáng suy nghĩ.”

Thẳng thắn nêu ra một thực tế về mâu thuẫn giữa bên nghiên cứu và bên xây dựng chính sách, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Xuân Hòe cho biết bên nghiên cứu đề xuất bài bản để đưa ra nhiều chính sách, nhưng cách tiếp cận của người viết chính sách lại có tư duy cố gắng để tạo ra một cái gì đó cơ chế xin-cho trong làm chính sách.

“Họ chỉ muốn giữ lợi ích ngành mà không muốn giữ quốc gia đại sự, không vì sự phát triển của nền kinh tế. Đây cũng chính là vấn đề Chính phủ cần tiếp thu, chuyển tải từ nghiên cứu của các bộ, các viện làm vào chính sách, tức là đầu vào của những chính sách của bộ, ngành... Vấn đề là họ có tiếp thu đầy đủ tinh thần đó hay không, hay họ lại muốn làm lệch đi một hướng khác, chỉ muốn tạo ra một cửa cơ chế xin-cho để mình có quyền hơn người khác,” ông Phạm Xuân Hòe nói.

Ông Hòe cũng cho rằng có vướng mắc ở chỗ, có thể, những nghiên cứu của viện là tốt, nhưng lại không thuyết phục được lãnh đạo bộ, lãnh đạo các cục, vụ khác, khi chuyển tải lên Chính phủ thì lại chuyển trở lại về cho bộ trưởng, thứ trưởng.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết ý tưởng đặt hàng của Chính phủ đã đáp ứng được nguyện vọng của các Viện nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu bao giờ cũng muốn được báo cáo theo “cơ chế một cửa,” trực tiếp với Chính phủ.

Thời gian qua, các đóng góp của khoa học cho các vấn đề chính sách chưa nhiều và chưa hiệu quả, do nhiều lý do. Cách tiếp cận hiện nay là cơ hội và đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học. Vấn đề được vị Tiến sỹ đặt ra là “bàn cơ chế nào để ngọn lửa đó không tắt, làm sao để Chính phủ có nguồn lực tri thức và người nghiên cứu khoa học có được động lực để làm tốt hơn.”

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng cần có một cơ chế đặt hàng từ phía Chính phủ. Nhiều ý kiến đề nghị có cơ chế thông tin truyền dẫn hai chiều từ yêu cầu của Thủ tướng đến các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và đề xuất từ nhà khoa học, viện nghiên cứu đến Thủ tướng.

Kiến giải tình hình kinh tế

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu đã kiến giải về tình hình kinh tế, những vấn đề về điều hành kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, những khâu cần củng cố tăng cường để kinh tế vĩ mô vững chắc, tạo nền tảng cho sự phát triển giai đoạn cất cánh tiếp theo; cơ sở để xây dựng kế hoạch năm 2017, kế hoạch đến năm 2020… để tổng hợp trình Thủ tướng xử lý những vấn đề hóc búa nhất hiện nay.

Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, nói nhiều đến Chính phủ kiến tạo, các bộ, các viện cũng phải được coi là đối tượng để sắp xếp, đổi mới lại. Khu vực công lập có một nguồn lực rất lớn. Đó cũng là một động lực của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chiều sâu. Đây như là một sự tháo điểm nghẽn để mang lại động lực mới, bà Tuệ Anh khẳng định.

Cũng theo bà, không nên chỉ chú ý đến những vấn đề ngắn hạn để điều hành, bởi vì tất cả các vấn đề ngắn hạn đều liên quan đến các vấn đề dài hạn, hai cái này phải hài hòa với nhau. Nếu không, tất cả lại chỉ là tư duy nhiệm kỳ, chỉ ngắn hạn vài 3 năm, bằng mọi giá để đạt mục tiêu là không đủ mà phải dài hạn hơn.

Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng đã đến lúc phản biện chính sách cần phải có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có kỹ trị tốt bởi bốn bộ giữ bốn tài khoản của một quốc gia. Bộ Kế hoạch Đầu tư giữ tài khoản GDP; Bộ Công Thương giữ tài khoản cán cân thương mại, Ngân hàng Nhà nước giữ tài khoản tiền tệ, Bộ Tài nguyên và Tài chính giữ tài khoản chính sách.

Theo ông Hòe, năm 2017, Việt Nam chỉ tập trung vào ba vấn đề lớn. Một là phân bổ vốn đầu tư hiệu quả hơn, cần bán bớt phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước để có tiền làm việc khác, cần phải làm quyết liệt. Hai là vấn đề nông nghiệp, phải lấy lại đà tăng trưởng của nông nghiệp, bởi đây vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng trong hai năm nay, nông nghiệp giảm do sản xuất phân tán, manh mún. Cần phải tích tụ ruộng đất, làm chuỗi giá trị, vốn đầu tư vào chuỗi giá trị sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề thứ ba được nhà nghiên cứu này đặt ra là nợ xấu, cần phải có quyết sách mạnh mẽ về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục