Chính phủ Đức áp dụng thẻ căn cước thống nhất với người tị nạn

Với việc áp dụng thẻ căn cước thống nhất, các dữ liệu liên quan sẽ được quản lý một cách thống nhất, giúp đơn giản hóa việc đăng ký cũng như xác định người tị nạn.
Chính phủ Đức áp dụng thẻ căn cước thống nhất với người tị nạn ảnh 1Người tị nạn ở Đức. (Nguồn: AP)

Nội các Đức ngày 9/12 đã nhất trí một dự luật yêu cầu áp dụng bắt buộc thẻ căn cước thống nhất đối với người tị nạn đến nước này.

Với việc áp dụng thẻ căn cước thống nhất, các dữ liệu liên quan sẽ được quản lý một cách thống nhất, giúp đơn giản hóa việc đăng ký cũng như xác định người tị nạn.

Thẻ căn cước này sẽ là giấy rời, trong đó ghi tên, tuổi, nơi sinh, quốc tịch, nam/nữ, kèm một bức ảnh sinh trắc. Ngoài ra, dấu vân tay, các dữ liệu liên hệ và thông tin y tế (tiêm chủng,...), dữ liệu về giáo dục và nghề nghiệp cũng sẽ được lưu trữ trong giấy rời này.

Theo Bộ trưởng Nội vụ liên bang Thomas de Maizère, dự luật mới sẽ quản lý thống nhất các thông tin liên quan tới người nộp đơn xin tị nạn, kể cả các trường hợp trẻ em đi cùng, giúp hạn chế các trường hợp lạm dụng hệ thống phúc lợi và cải thiện tình trạng đăng ký tị nạn ở Đức.

Dự luật này cũng đơn giản hóa và giúp thống nhất việc thăm khám, tiêm chủng cho người tị nạn.

Ngoài ra, thẻ căn cước cũng lưu trữ các dữ liệu về tình trạng hội nhập và tìm kiếm việc làm của người tị nạn, trong đó có cả dữ liệu về giáo dục và đào tạo nghề. Tất cả các thông tin lưu trữ một cách thống nhất sẽ được chuyển cho các cơ sở công, nơi người tị nạn thường liên hệ.

Bộ trưởng Maizère cũng cho biết dữ liệu về người tị nạn sẽ được lưu trữ vào hệ thống trung tâm ngay khi họ tiếp xúc lần đầu với nhà chức trách Đức, thay vì phải nộp đơn xin tị nạn mới tiến hành lưu trữ dữ liệu. Cơ chế này sẽ giúp họ tránh phải đăng ký tị nạn hai lần.

Người không có tấm thẻ căn cước này sẽ không được xét tị nạn cũng như không được hưởng các phúc lợi xã hội ở Đức.

Dự kiến, dự luật sau khi được Quốc hội Đức thông qua vào tháng Giêng tới sẽ nhanh chóng được đưa vào áp dụng, có thể giữa tháng 2/2016 và tới giữa năm 2016, dự luật sẽ được áp dụng bắt buộc trên toàn nước Đức.

Các biện pháp nêu trên được đưa ra trong bối cảnh người tị nạn tới Đức đang ở mức cao kỷ lục. Khoảng ba tuần trước khi kết thúc năm 2015, số người tị nạn đăng ký chính thức ở Đức đã đạt con số 1 triệu người. Số liệu này được lấy từ hệ thống đăng ký tiếp nhận người tị nạn "Easy" toàn liên bang, trong đó riêng tháng 11/2015 đã có trên 200.000 người tị nạn đăng ký mới.

Giới chức bang Bayern kêu gọi cần áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn, bởi Đức không thể gánh xuể một lượng lớn người tị nạn như vậy. Với mức 1 triệu người tị nạn, bang Bayern sẽ phải tiếp nhận và chăm lo nơi ăn ở và y tế cho khoảng 153.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục