Chính phủ Italy công bố chương trình cải cách giáo dục

Chương trình cải cách này của Italy bao gồm việc sẽ thuê thêm 150.000 giáo viên cho đến tháng 9/2015, đơn giản hóa các thủ tục thuê giáo viên.
Chính phủ Italy công bố chương trình cải cách giáo dục ảnh 1Sinh viên Italy trong một kỳ thi. (Nguồn: presstv.ir)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hôm 3/9, chính phủ nước này đã công bố chương trình cải cách giáo dục mà Thủ tướng Matteo Renzi cho là sẽ góp phần làm thay đổi một cách tích cực nền giáo dục Italy, và không để cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ảnh hưởng xấu đến nền học vấn của các thế hệ tương lai.

Chương trình cải cách này bao gồm việc sẽ thuê thêm 150.000 giáo viên cho đến tháng 9/2015, đơn giản hóa các thủ tục thuê giáo viên và cắt giảm số giáo viên phụ giảng.

Trên trang web của chính phủ, Thủ tướng Renzi khẳng định rằng các giáo viên sẽ được sử dụng dựa trên năng lực chứ không phải thâm niên.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo kinh tế Mặt Trời 24 giờ, ông Renzi cũng tuyên bố, chính phủ có kế hoạch cắt giảm 20 tỷ euro chi ngân sách để dành số tiền đó ưu tiên đầu tư nghiên cứu và giáo dục mà không cần tăng thêm thuế. Khoản cắt giảm này được thực hiện từ việc giảm 3% chi phí của các bộ trong chính phủ.

Chính sách cải cách đối với giáo dục của chính phủ cũng hướng đến những thay đổi trong chương trình dạy và học các cấp, từ cấp mẫu giáo-tiểu học cho đến các cấp cao hơn. Chẳng hạn, việc dạy âm nhạc và giáo dục thể chất sẽ được áp dụng từ cấp tiểu học, các tiết học ngoại ngữ bắt buộc được áp dụng ở cấp trung học cơ sở, trong khi việc học lịch sử nghệ thuật, tin học và kinh tế được đưa vào chương trình học ở cấp trung học.

Chính phủ cũng sẽ tăng số vốn kinh phí từ 11 triệu euro năm nay lên 100 triệu euro cho công tác nghiên cứu ở các trường dạy nghề. Các nghề thủ công truyền thống có nguy cơ bị lãng quên cũng được đưa vào chương trình học nghề và việc triển khai các chương trình thực tập thử nghiệm sẽ được tiến hành đối với các học sinh hai năm cuối trung học.

Chương trình cải cách giáo dục là một phần nằm trong quyết sách nhằm đưa đất nước ra khỏi kinh tế của chính phủ Italy, trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu này đang rơi vào suy thoái lần thứ ba trong vòng sáu năm qua.

Chính phủ lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục, vốn đã bị cắt giảm ngân sách trong những năm qua, tác động tiêu cực đến đời sống của các giáo viên và chất lượng học của học sinh, sinh viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục