Chính phủ Myanmar cam kết đảm bảo bầu cử tự do và công bằng

Chính phủ Myanmar ngày 17/8 đã ra thông cáo báo chí khẳng định đảm bảo cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra tự do và công bằng.
Chính phủ Myanmar cam kết đảm bảo bầu cử tự do và công bằng ảnh 1Tổng thống Myanmar U Thein Sein (giữa). (Nguồn: THX/TTXVN)

Chính phủ Myanmar ngày 17/8 ra thông cáo báo chí khẳng định đảm bảo cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra tự do và công bằng, với việc phối hợp đầy đủ với Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC), các đảng phái chính trị, xã hội dân sự và công chúng.

Theo thông cáo trên, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 8/11 đang được tiến hành. Dự kiến đây sẽ là cuộc bầu cử có sự tham gia rộng rãi nhất và nhiều thành phần nhất kể từ khi Myanmar độc lập.

Phản hồi những lo ngại trong dư luận về sự việc tại trụ sở đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) cầm quyền hôm 13/8, thông cáo của chính phủ cho biết sự việc này liên quan đến thay đổi ban lãnh đạo đảng, đồng thời nhấn mạnh rằng việc sắp xếp lại tổ chức đảng là công việc bình thường đối với một đảng chính trị.

Thông cáo cũng cho biết chính phủ đang nỗ lực để tiến trình hòa bình kết thúc thành công và đảm bảo ổn định, hòa bình trên cả nước, đồng thời tiếp tục các nỗ lực cứu trợ và tái định cư những nơi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Liên quan tiến trình hòa bình, 4 nhóm vũ trang sắc tộc tại Myanmar ngày 18/8 đã ra một thông cáo báo chí chung bày tỏ sẵn sàng ký thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) với chính phủ. Động thái này của 4 nhóm này, gồm KNU, DKBA, KNLA-PC và RCSS, làm tăng triển vọng ký kết NCA tại Myanmar.

Đã có 15 nhóm vũ trang sắc tộc tiến hành đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ Myanmar từ năm 2013. Tại vòng đàm phán thứ 9 diễn ra ở Yangon giữa Ủy ban Đàm phán hòa bình Thống nhất (UPWC) của chính phủ với Phái đoàn cấp cao (SD) của các nhóm vũ trang sắc tộc, kết thúc hôm 6/8 vừa qua, hai bên đã thống nhất dự thảo NCA, ngoại trừ mục liên quan đến thành phần ký thỏa thuận chính thức.

Các nhóm ký kết thỏa thuận này sẽ nhận được một số đảm bảo từ phía chính phủ, trong đó có việc tiếp tục được vũ trang để tự vệ, được xóa khỏi danh sách các tổ chức phi pháp và được tham gia đối thoại chính trị để tìm kiếm giải pháp, cùng nhau giám sát thỏa thuận ngừng bắn nhằm tránh tái diễn đụng độ, và được quyền tham gia sửa đổi hiến pháp.

Thông cáo của 4 nhóm trên cho rằng các nhóm còn lại cần tìm ra cách thức thiết thực để giải quyết vấn đề chính trị thông qua giải pháp chính trị.

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào cuối tháng này nhằm giải quyết vướng mắc duy nhất còn lại là thành phần ký NCA chính thức.

Phía chính phủ tái khẳng định chính sách ký NCA với tất cả 15 nhóm sắc tộc vũ trang đã có thỏa thuận hòa bình song phương với chính phủ, trong khi phía các nhóm sắc tộc yêu cầu tất cả đại diện của 17 nhóm ký kết NCA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục