Chính phủ Nam Sudan từ chối thỏa thuận hòa bình với phe đối lập

Chính phủ Nam Sudan đã từ chối ký kết thỏa thuận hòa bình với phe đối lập bất chấp sức ép và đe dọa trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Nam Sudan từ chối thỏa thuận hòa bình với phe đối lập ảnh 1Ảnh tư liệu: Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (trái) và thủ lĩnh quân nổi dậy Riek Machar (phải) tại vòng đàm phán hòa bình ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 3/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/8, Chính phủ Nam Sudan đã từ chối ký kết thỏa thuận hòa bình với phe đối lập bất chấp sức ép và đe dọa trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 17/8 cũng là hạn chót để các phe phái tại quốc gia Đông Phi này đạt được một thỏa thuận hòa bình sau 10 ngày đàm phán tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia.

Hãng tin Reuters dẫn lời nhà trung gian hòa giải của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD), ông Seyoum Mesfin cho biết Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir yêu cầu có thêm 15 ngày để tham vấn trước khi ký kết thỏa thuận hòa bình vốn đã được phe đối lập chấp thuận.

Cũng theo nhà trung gian hòa giải này, trong nửa tháng tới, đại diện Chính phủ Nam Sudan sẽ trở lại Addis Ababa để hoàn tất thỏa thuận hòa bình với phe đối lập.

Trong khi đó, các nhà trung gian hòa giải của IGAD xác nhận thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar đã ký kết một thỏa thuận với Tổng thư ký của đảng cầm quyền Pagan Amum với sự chứng kiến của Tổng thống Salva Kiir.

Chi tiết của thỏa thuận này chưa được tiết lộ.

Ông Machar đã kêu gọi Tổng thống Salva Kiir thay đổi quan điểm và ký kết thỏa thuận, coi đây là cơ hội để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 2 năm qua ở Nam Sudan. Ngày 16/8, ngay sau khi đặt chân tới Ethiopia, Tổng thống Salva Kiir cho biết ông bị "ép buộc" tham gia đàm phán và cảnh báo có thể không ký một thỏa thuận hòa bình đầy đủ hoặc lâu dài cho tới khi tất cả các nhóm đối lập đồng ý tham gia thỏa thuận này.

Hôm 14/8, Chính phủ Nam Sudan đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình do sự chia rẽ giữa các nhóm trong phe đối lập.

Các bên tại Nam Sudan vẫn chưa thể ký kết thỏa thuận hòa bình bất chấp sự hối thúc và đe dọa trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Trước đó, trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Ủy ban AU Nkosazana-Dlamini Zuma và Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ibrahim Ghandour, hai bên đã nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt cuộc xung đột tại Nam Sudan thông qua việc nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình vào thời hạn chót là ngày 17/8, cảnh báo nếu điều này thất bại sẽ mang lại nhiều hậu quả không những đối với quốc gia này mà còn cả các nước trong khu vực.

Hai quan chức cũng hối thúc các bên tại Nam Sudan cần thực thi cam kết cũng như phát huy vai trò lãnh đạo để chấm dứt cuộc xung đột trên.

Chủ tịch Ủy ban AU đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ toàn diện của AU đối với nhóm trung gian hòa giải của IGAD trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các bên tại Nam Sudan, cũng như sự hỗ trợ của các cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc.

Xung đột ở Nam Sudan bùng phát vào tháng 12/2013, khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc Phó Tổng thống khi đó là ông Riek Machar âm mưu đảo chính. Các cuộc tấn công giữa hai bên cùng những vụ xung đột sắc tộc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở nước này.

​Liên hợp quốc cho biết hiện có tới 70% dân số 12 triệu người của Nam Sudan cần viện trợ, trong khi 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Qua nhiều vòng đàm phán do IGAD làm trung gian, các bên ở Nam Sudan từng đạt được ít nhất 7 thỏa thuận ngừng bắn, song tất cả đều bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục