Chính phủ Nga tìm cách kìm hãm đà tăng giá đồng ruble

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc mua vào khoảng 200 triệu USD/ngày nhằm lấp đầy kho dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ giúp “hãm phanh” đà tăng giá của đồng ruble.
Chính phủ Nga tìm cách kìm hãm đà tăng giá đồng ruble ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo kết quả khảo sát mới công bố ngày 28/5 của hãng tin Bloomberg đối với các nhà kinh tế, quyết định mua vào ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Nga sẽ giúp chặn đà tăng giá của đồng ruble.

Cụ thể, 19/28 nhà kinh tế cho rằng việc mua vào khoảng 200 triệu USD/ngày nhằm lấp đầy kho dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ giúp “hãm phanh” đà tăng giá của đồng ruble.

Cho dù dự trữ ngoại tệ của Nga có thể cán mốc 380 tỷ USD trong năm nay, song con số này vẫn thấp hơn nhiều mức tương ứng hồi tháng Ba năm ngoái.

Nhà phân tích Gunter Deuber tại Raiffeisen Bank International AG, nhận định: “Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định kiềm chế đà tăng giá đồng ruble. Dù kế hoạch này là chưa đủ trên phương diện khối lượng để xoay chuyển hoàn toàn đồng ruble trên thị trường tiền tệ, song việc đó phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với các thị trường rằng Nga đã thấy đồng ruble tăng giá đủ mạnh trong thời gian qua.”

Đồng ruble tăng giá mạnh là niềm tự hào dân tộc của Nga. Tuy nhiên, nó cũng đem theo những hiệu ứng trái ngược. Lạm phát được kiềm chế, song xuất khẩu của Nga nay trở nên đắt đỏ hơn, và các nhà sản xuất nội địa phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.

Đây là điều không có lợi cho Moskva, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng nhất trong vòng 5 năm do chi tiêu quân sự và dầu thô mất giá.

Nga hiện chi 1/5 ngân sách liên bang cho quốc phòng. Dù đồng USD thu được từ bán dầu mỏ vẫn không thay đổi song do đồng tiền của Nga vững lên, ngân sách nước này sẽ thu được ít ruble hơn, và khả năng thanh toán của chính quyền Tổng thống Putin sẽ hạn chế hơn.

Ước tính, đồng ruble đã tăng giá 17% so với USD trong năm 2015, con số thể hiện tốt nhất trong số hơn 170 đồng tiền trên thế giới. Trước sự can thiệp của Ngân hàng trung ương Nga và đồng USD mạnh lên, tỷ giá đồng ruble đã yếu đi và giảm 1,6% so với USD lúc chiều muộn ngày 27/5 tại Moskva.

Sau khi sụt giảm 2,2% trong quý I năm nay, kinh tế Nga có dấu hiệu phục hồi và thoát đáy. EU hiện đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu các bên tuân thủ thỏa thuận Minsk đạt được trong tháng 2/2015 về vấn đề ngừng bắn tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục