Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị rót hàng nghìn tỷ yen cứu nền kinh tế

Chính phủ Nhật Bản đang soạn thảo một loạt các biện pháp kinh tế trong gói ngân sách ít nhất 2.000 tỷ yen, trong đó bao gồm cả kế hoạch tái sinh kinh tế địa phương.
Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị rót hàng nghìn tỷ yen cứu nền kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg News)

Chính phủ Nhật Bản đang soạn thảo một loạt các biện pháp kinh tế trong gói ngân sách ít nhất 2.000 tỷ yen, trong đó bao gồm cả kế hoạch tái sinh kinh tế địa phương.

Theo nhật báo Japan News ngày 19/11, gói các giải pháp kinh tế này cũng bao gồm các động thái ứng phó với giá năng lượng do đồng yen hạ giá, các biện pháp chuẩn bị cho thiên tai như các bão, động đất và các biện pháp tái sinh kinh tế địa phương mà Thủ tướng Shinzo Abe coi là một ưu tiên hàng đầu.

Tính đến chi tiêu của lĩnh vực tư nhân và chính quyền địa phương cho các dự án tái sinh kinh tế, quy mô các hoạt động trong thời gian tới sẽ được triển khai rộng hơn dựa trên gói ngân sách này.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp, cho thấy kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục ì ạch kể từ sau lần tăng thuế tiêu dùng đầu tiên hồi tháng 4/2014.

Các biện pháp kinh tế hiện nay chủ yếu nhằm phân bổ lợi ích từ chính sách kinh tế Abenomics cho các khu vực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các thiết chế xã hội khác dễ bị tổn thương và chưa được hưởng lợi ích từ Abenomics.

Những giải pháp trên sẽ hỗ trợ cho đầu tư tiết kiệm năng lượng không chỉ cho các cá nhân mà cả doanh nghiệp nhằm đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, dự thảo cũng nỗ lực thúc đẩy thị trường nhà đất đang bị tác động bởi sự sụt giảm mạnh nhu cầu sau tăng thuế.

Để tái sinh kinh tế địa phương, chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển những lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được cho là “ngành công nghiệp thứ 6” bao gồm các khâu sản xuất, chế biến, phân phối và bán lẻ các sản phẩm.

Ngân sách bổ sung cũng được cho là bao gồm hỗ trợ nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào xã hội vốn được ông Abe đặc biệt chú trọng. Liên quan đến việc đối phó với thiên tai, gói kích thích này sẽ chi cho chi phí khắc phục hậu quả thiên tai như lở đất và bão trong trận thiên tai nghiêm trọng ở miền Bắc tỉnh Hiroshima hồi tháng 8/2014.

Sau trận phun trào của núi lửa Ontake hồi tháng 9/2014, Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến sẽ tăng cường hệ thống giám sát hoạt động của núi lửa.

Ngày càng nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy các giải pháp kích thích kinh tế trong gói ngân sách bổ sung sau khi GDP trong quý 3 vừa qua tiếp tục đà sụt giảm. Sau khi tuyên bố về khả năng tung ra gói kích thích hôm 17/11, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cân nhắc đến các biện pháp trị giá khoảng 2.000 tỷ yên này.

Trở về từ Brisbane (Australia), Bộ trưởng Tài chính Taro Aso ngày 17/11 cho biết “lĩnh vực yếu kém nhất hiện nay là nhà ở và đầu tư. Chúng ta cần phải có những giải pháp cấp bách.”

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) kêu gọi chính phủ phải hành động lập tức. Ông cho biết: “Để đưa kinh tế đi vào quỹ đạo phục hồi một cách vững chắc, tôi đề nghị cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế.”

Kể từ khi thuế suất tăng lên 8% hồi tháng 4/2014, tiêu dùng chững lại trong đó kinh tế địa phương sụt giảm mạnh. Người nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng do giá nhiên liệu đắt đỏ và hóa đơn tiền điện tăng cao do đồng yen mất giá. Giá cả tăng lên cũng khiến nhu cầu về nhà ở chững lại, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và các ông bố bà mẹ trẻ đang nuôi con.

Trong gói kích thích lần này, Chính phủ dự kiến chi 100 tỷ yen cho hệ thống nhà ở thân thiện môi trường theo đó các gia đình xây nhà mới với mức hiệu quả sử dụng năng lượng cao sẽ nhận được điểm thưởng để mua sắm hàng hóa.

Cơ chế hiện hành cho phép các xe tải được giảm giá tới 50% khi sử dụng hệ thống thu phí điện tử trên đường cao tốc sẽ tiếp tục được duy trì đến tài khóa 2015 tới.

Coupon sử dụng tại các khu phố mua sắm có thể được phân phối cho các chính quyền địa phương để kích thích tiêu dùng của người dân. Vấn đề chính khi thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế này là đảm bảo các nguồn lực tài chính cần thiết.

Chính phủ đang cân nhắc ba nguồn thu để chi cho gói ngân sách bổ sung này. Đó là các khoản tiền chưa sử dụng vào thời điểm chính phủ giải quyết cho tài khóa 2013, nguồn thu từ thuế trong tài khoá 2014 và khoản tiền dư sau khi trả lợi tức trái phiếu chính phủ. Các khoản tiền này có thể sử dụng được do lãi suất dài hạn thấp hơn so với dự tính ban đầu.

Thông qua các nguồn ngân sách này, nhiều khả năng chính phủ sẽ dành ra khoảng 4.000 tỷ yen. Các khoản tiền này có thể sẽ được phân bổ cho các biện pháp kích thích kinh tế, trợ cấp địa phương và dành ngân sách cho tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa kép hồi năm 2011. Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ bán cổ phiếu Công ty NTT để tạo nguồn ngân sách bổ sung 237,1 tỷ yen.

Trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này, các nghị sỹ, chủ yếu từ phe đối lập, có thể sẽ cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế là chưa đủ và yêu cầu tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế khác.

Trong khi mức hỗ trợ tài chính để đảm bảo cuộc sống ổn định của các hộ gia đình sẽ được quyết định ngay từ bây giờ thì hiện đang xuất hiện ý kiến lo ngại rằng quy mô ngân sách bổ sung có thể sẽ bị phình to hơn nữa cùng với quá trình biên soạn cam kết tranh cử Hạ viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục