Chính phủ thực hiện gói kích cầu là cần thiết

Hơn 100 đại biểu quốc tế và trong nước dự hội thảo "Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ", do VACD tổ chức tại Hà Nội ngày 23/7.
Hơn 100 đại biểu là nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước đã dự Hội thảo "Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ" do Hiệp hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức tại Hà Nội ngày 23/7.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo, việc Chính phủ thực hiện gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD và đưa ra gói kích cầu 2 trị giá 8 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn suy thoái, sản xuất và kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn là rất cần thiết.

Các chính sách điều hành vĩ mô và các gói giải pháp kích cầu đã tác động tích cực đến toàn nền kinh tế và đến hoạt động của các doanh nghiệp. Gói kích cầu thứ nhất bằng hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD, bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Tính đến thời điểm ngày 16/7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt trên 377.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tiến hành gói kích cầu thứ 2 trị giá 8 tỷ USD cần thận trọng, kiềm chế và có kiểm soát...

Bằng các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và quốc tế, các ngân hàng, các nhà quản trị doanh nghiệp đã chia sẻ những nhận định, đánh giá của mình về diễn biến của nền kinh tế 6 tháng qua và xu thế thời gian tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc hỗ trợ lãi suất từ phía những người thực hiện (ngân hàng) và người thụ hưởng (doanh nghiệp), cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra và nêu ra những khuyến nghị trong quản trị đối với các doanh nghiệp và đối với các cơ quan chính phủ.

Theo ông Nick Freeman, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã bắt đầu được cải thiện từ quý 2/2009 và có lẽ đã qua mức đáy. Tuy nhiên, Việt Nam phải mất thêm nhiều thời gian để lấy lại tăng trưởng và điều này còn phụ thuộc phần nào vào nền kinh tế toàn cầu.

Gói kích thích kinh tế là cần thiết trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nhưng chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và coi nó là một công cụ bất thường dành cho thời điểm bất thường. Cần xác định thời điểm kết thúc chiến lược kích thích kinh tế hợp lý. Bởi vì, nếu kết thúc quá sớm, kinh tế có thể suy thoái trở lại và nếu kết thúc quá muộn, kinh tế có thể trở nên quá nóng với tỷ lệ lạm phát cao, ông Nick Freeman nhấn mạnh.

Ông Nick Freeman cho rằng chỉ nên duy trì những biện pháp cần thiết như Chương trình bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời điểm kết thúc gói kích thích Chính phủ - theo chuyên gia này, nhiều khả năng trùng với quá trình chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo (2010 - 2020). Theo ông, Việt Nam nên tiếp tục tập trung vào lộ trình thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải cách kinh tế dài hạn.

Thông điệp được đưa ra Hội thảo: Để nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và chuẩn bị cho thời cơ mới khi kinh tế thế giới phục hồi đang phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chính sách nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục