Chính phủ trình 3 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ.
Chính phủ trình 3 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ảnh 1Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ. Ngay sau đó, các đại biểu về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). 

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công 

Tờ trình dự án Luật khẳng định việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật. Hiện, cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.

Trong khi đó, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như: Tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác... Việc sửa đổi lần này góp phần thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dự thảo Luật được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phân định tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, tài sản công phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản công phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Dự thảo Luật đã thể hiện sự đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.

Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế​xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 137 Điều. Với quan điểm Luật này là luật chung điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tại Điều 1 của dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như sau: “Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.” 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật hiện hành phải phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.

Về nguyên tắc, tài sản công phục vụ công tác quản lý nhà nước được Nhà nước giao bằng hiện vật, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có tính chất ngân sách không được khai thác để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Trường hợp sử dụng tài sản công nhằm mục đích thương mại phải tuân thủ các quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan... 

Tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cho biết qua thực tế thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.

Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Đồng thời một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi như: Phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hướng dẫn thực hiện tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt.

Chính phủ trình 3 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ảnh 2Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình dự án Luật đường sắt (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế như: Chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; kinh doanh đường sắt. Một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như: Quản lý đất dành cho đường sắt; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt. 

Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi Luật lần này góp phần phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Dự thảo Luật cũng tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đường sắt. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm: 09 chương, 95 điều. 

Là cơ quan thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn. Trên cơ sở nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 như quan điểm của Chính phủ, Ủy ban thấy rằng việc sửa đổi Luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển giữ vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở nhất trí với bố cục và nội dung dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm bố cục thật logic, cân đối hơn.

Cụ thể Chương IV Dự thảo Luật hiện chỉ có 2 điều; có ý kiến đề nghị tách quy định về đường sắt chuyên dùng thành mục riêng, bổ sung quy định về vận tải đường sắt công ích, vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đường sắt...

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác cảnh vệ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ cho biết hiện các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới... 

Dự án Luật Cảnh vệ được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chính phủ trình 3 dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ảnh 3Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật cảnh vệ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay; qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Dự thảo Luật cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều và đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 dự thảo Luật.

Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là cơ quan thẩm tra đồng ý về sự cần thiết ban hành Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật nhưng đề nghị rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm hệ thống, tránh chồng chéo và phù hợp với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đề nghị sửa tên dự thảo thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công”

Ngay sau khi nghe các Tờ trình, các đại biểu Quốc hội về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). 

Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian vừa qua; đồng thời việc sửa đổi góp phần thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Về tên gọi của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với việc sửa lại tên luật như Tờ trình của Chính phủ là: “Luật quản lý, sử dụng tài sản công” để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đại biểu, sử dụng cụm từ "tài sản công" thể hiện được đó là tài sản của đất nước, của nhân dân chứ không phải của một tổ chức hay cá nhân nào. "Tài sản công rộng hơn, bên cạnh đó cũng thể hiện được thêm trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân đối với tài chung của đất nước" - đại biểu phân tích. Đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung là tài sản đầu tư theo hình thức đối tác công tư bởi tại Chương 4 mục 5 có quy định là quản lý sử dụng tài sản đầu tư theo hình thứ đối tác công tư, nhưng hình thức này cũng chưa rõ tài sản này là tài sản công nên để phạm vi điều chỉnh bao quát hết các nội dung thì cần bổ sung thêm. 

Bàn về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhấn mạnh việc khai thác các nguồn lực tài chính từ tài sản công phải đảm bảo tiết kiệm, hài hòa giữa lợi ích nhà nước và các tổ chức cá nhân, góp phần vào thu ngân sách nhà nước. Trên quan điểm đó, đại biểu đề nghị đưa khoản 2 Điều 7 của dự thảo sang nội dung Điều 6 và sửa tên điều thành hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Nêu quan điểm tài sản đặc biệt là tài sản chỉ có trong quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng của lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) nêu quan điểm việc quản lý tài sản này cũng cần phải đặc biệt. Điều 16 dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thống nhất quản lý theo đại biểu Bùi Quốc Phòng là khó khả thi; ban soạn thảo cần nghiên cứu lại vấn đề này để giao quyền cho phù hợp. 

Về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang, tại mục 5 Chương 3, đại biểu thể hiện sự đồng tình với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính​-Ngân sách cần quy định rõ trong dự thảo luật trong một số trường hợp tài sản công có tính chất lưỡng dụng tại các đơn vị lực lượng vũ trang, vừa là tài sản phục vụ quốc phòng an ninh, vừa có thể sử dụng cho các mục đích thông thường, đồng thời rà soát điều chỉnh tên gọi một số tài sản cho phù hợp với các luật liên quan quốc phòng an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục