Chính phủ Yemen tăng cường an ninh trước làn sóng biểu tình

Xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai ở Yemen trong bối cảnh hàng chục nghìn người ủng hộ phiến quân Hồi giáo dòng Shiite xuống đường tuần hành đòi chính phủ từ chức.
Chính phủ Yemen tăng cường an ninh trước làn sóng biểu tình ảnh 1Biểu tình phản đối chính phủ tại Sanaa ngày 18/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 19/8, xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai ở thủ đô Sanaa của Yemen trong bối cảnh hàng chục nghìn người ủng hộ phiến quân Hồi giáo dòng Shiite xuống đường tuần hành đòi chính phủ từ chức.

Theo một số quan chức giấu tên trong quân đội Yemen, lực lượng tinh nhuệ của tổng thống nước này đã được bố trí gần các tòa nhà chính phủ, các phái bộ ngoại giao và nhiều giao lộ, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp xảy ra tấn công.

Ủy ban An ninh cấp cao Yemen cũng cảnh báo sẽ áp dụng mọi biện pháp đảm bảo an ninh cho đất nước trước "những dấu hiệu đáng lo ngại" cho thấy các phần tử phiến quân Huthi đã cắm chốt trên tầng thượng của một số tòa nhà ở Sanaa, nhiều toán quân có vũ trang tiến vào lập đồn bốt trong lòng thành phố và dựng hàng chục lều trại ở các cửa ngõ ra vào thành phố.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansur Hadi tuyên bố các cuộc biểu tình trên là "không thể chấp nhận" và khẳng định sẽ đối phó bằng "hành động kiên quyết và hợp pháp" với bất cứ cá nhân nào gây rối loạn an ninh quốc gia.

Trong khi đó, 10 đồng minh quốc tế và phương Tây của Yemen đã ra tuyên bố chung chỉ trích gay gắt các động thái của lực lượng Huthi, kêu gọi nhóm vũ trang này rút khỏi thủ đô và giao nộp vũ khí. Người phát ngôn của Huthi đã phản bác thông điệp trên bằng tuyên bố "tiếp tục cuộc cách mạng trong hòa bình."

Biểu tình nổ ra tại thủ đô Sanaa từ ngày 18/8 vừa qua giữa tiến trình chuyển tiếp chính trị chật vật của Chính phủ Yemen. Thủ lĩnh phiến quân Abdulmalik al-Huthi tuyên bố ngày 22/8 là hạn chót để chính phủ đáp ứng yêu cầu của người biểu tình, bao gồm khôi phục trợ cấp nhiên liệu và từ bỏ quyền lực.

Nhóm vũ trang Huthi từng tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài sáu năm đến 2010, chống lại Tổng thống Yemen lúc bấy giờ Ali Abdullah Saleh. Hiện tại, lực lượng này bị tình nghi có âm mưu mở rộng phạm vi ảnh hưởng nhằm thành lập một nhà nước liên bang ở sáu tỉnh miền Bắc, trong đó tỉnh Amran đã lọt vào tay nhóm này sau chín tháng giao tranh rải rác với quân đội Yemen.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hàng trăm người đã thiệt mạng và gần 40.000 người phải sơ tán khỏi Amran trong thời gian xung đột nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục