Chính quyền Lai Châu lên tiếng về tin "gạo cứu đói kém chất lượng"

Lãnh đạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, khẳng định có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc gạo cứu trợ; trước khi cấp, các bên đã tổ chức ăn thử và lập biên bản đánh giá chất lượng gạo.
Chính quyền Lai Châu lên tiếng về tin "gạo cứu đói kém chất lượng" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên Hoàng Văn Hiêng vừa có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu và Thường trực huyện ủy, Hội đồng Nhân dân huyện Than Uyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng phối hợp với các cơ quan báo chí có bài đăng về việc cấp gạo cứu đói cho nhân dân tái định cư thủy điện trên địa bàn huyện phải phản ánh đúng thực tế, đính chính những nội dung phản ánh không chính xác, nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những cán bộ phóng viên viết bài phản ánh không có cơ sở, suy diễn...

Trước đó, trên nhiều báo mạng đăng các bài viết phản ánh việc Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên cấp gạo cứu đói cho nhân dân vùng tái định cư thủy điện Huội Quảng-Bản Chát không đảm bảo chất lượng, gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cho lợn gà ăn thì gà lợn chết hoặc đi ngoài, gạo không đúng giá cả, chênh lệch hàng tỷ đồng...

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên cho biết gạo cứu trợ này được thực hiện theo công văn số 1000 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 464 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu. Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên đã giao cho Ban Quản lý dự án di dân, tái định cư huyện (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện) tham mưu, tổ chức thực hiện gói gạo cứu trợ theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng gói gạo cứu trợ, Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên đã chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ các quy định về thông báo mời thầu, tiến hành đấu thầu công khai. Liên doanh các nhà thầu Công ty Sao Sáng-Anh Hoa và Công ty Châu Giang-Bằng An đã trúng thầu.

Các đơn vị cung ứng gạo có đầy đủ tư cách pháp nhân để hoạt động xay xát, chế biến gạo, có nhiều năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gạo, nông sản. Hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên đang lưu các bộ hồ sơ và có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của gói gạo cứu trợ.

Để đảm bảo chất lượng gạo và tạo sự đồng thuận của các hộ dân được hỗ trợ gạo, trước khi cấp, Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên đã chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện và các nhà thầu gửi gạo đến nhà các trưởng bản, tiến hành nấu thử do đại diện các hộ dân, nhà thầu cung cấp và những người tham gia kiểm định cùng ăn, đánh giá.

Trong quá trình thực hiện các giai đoạn, các đơn vị liên quan đều chụp ảnh lưu giữ. Sau khi ăn thử, các bên đã lập biên bản đánh giá chất lượng và nhân dân đồng ý nhận gạo...

Trong quá trình nấu ăn thử và cấp gạo, nhân dân nhận gạo đều khẳng định số gạo được nhận đảm bảo chất lượng, không có hiện tượng lạ và nghi vấn gì. Đến nay đa số các hộ dân đã sử dụng hết gạo, một số hộ còn lại số lượng nhỏ. Mỗi lần cấp gạo cứu trợ, Ban quản lý dự án huyện đều lưu mẫu vật tại nhà kho của Ban và hiện vẫn còn lưu.

Hơn nữa, từ thời điểm cấp gạo tháng 6/2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên và các cơ quan chuyên môn không nhận được bất cứ phản ánh nào của các hộ dân về chất lượng gạo. Thời gian qua, các đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, huyện khi tiếp xúc cử tri tại các xã trên địa bàn huyện Than Uyên đều không nhận được ý kiến nào của cử tri về các vấn đề như một số báo mạng đã nêu.

Ngay sau khi có thông tin của một số báo phản ánh, Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên đã cử lãnh đạo huyện và cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh thông tin. Nhân dân khẳng định chất lượng gạo đảm bảo, không có việc gạo không ăn được, cho gà, lợn ăn thì gà lợn chết hoặc đi ngoài.

Các hộ dân được báo nhắc tới trong bài viết cho biết có hai người nói là nhà báo, trong đó có một người tên là Tuấn của Báo Pháp luật đến gặp, xin phỏng vấn, chụp ảnh nhưng người dân không trả lời như những gì báo viết.

Còn lý do đợt 1 cấp gạo, đợt 2 cấp tiền và có sự chênh lệch về giá, Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên cho rằng sau khi cấp gạo cứu đói đợt 1, thấy có một số khó khăn nhất định, Ủy ban Nhân dân huyện đã đề nghị và được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý cho điều chỉnh từ hỗ trợ bằng gạo sang hỗ trợ bằng tiền mặt.

Trong cả hai đợt hỗ trợ, Ủy ban Nhân dân huyện đều căn cứ vào thông báo giá gạo của Sở Tài chính để áp giá, như vậy là đúng quy định.

Việc báo nêu gia đình ông Lò Thành Khuynh ở bản Huổi San, xã Mường Cang (Than Uyên) bị chính quyền siết nợ tiền cứu đói cũng chưa chính xác... Bởi trước đó từ năm 2011-2012, gia đình ông Khuynh nhận thừa kinh phí tạm ứng từ việc bồi thường hỗ trợ thiệt hại về đất, nhà ở, vật kiến trúc và cây trồng vật nuôi trên đất thu hồi cho các hộ gia đình tái định cư tự nguyện tại bản Huổi San khu tái định cư Mường Cang, thuộc dự án di dân tái định cư thủy điện Bản Chát.

Đến năm 2013, huyện đã có thông báo về việc thu lại tiền tạm ứng thừa nói chung và đối với gia đình ông Khuynh nói riêng.

Đến năm 2015, Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Than Uyên tiếp tục có thông báo và có buổi làm việc với gia đình ông Khuynh về việc này. Lúc đó, gia đình ông Khuynh nói không có tiền, đề nghị Ban sau này có phương án hỗ trợ gì cho các hộ di chuyển tự nguyện thì trừ trực tiếp lấy số tiền ứng trước để trả Nhà nước.

Đến tháng 2/2016, Ban quản lý dự án huyện tiếp tục có thông báo về việc thu hồi kinh phí bồi thường, hỗ trợ, trong đó yêu cầu gia đình ông Khuynh nộp lại hơn 1,2 triệu đồng về Ban trước ngày 15/3/2016... Vì vậy, trong quá trình chi trả tiền gạo cứu trợ đợt 2 năm 2016, đúng vào dịp nhân dân thu hoạch lúa mùa nên Ban quản lý dự án đầu tư huyện đã thống nhất các hộ dân, thu hồi lại số tiền mà trước đây các hộ dân đã ứng thừa...

Bản thân ông Khuynh cũng cho biết số tiền gạo cứu đói giáp hạt đợt 2 năm 2016, gia đình ông đã được cấp tiền và nhận đầy đủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục