Chính quyền Mỹ tiếp tục bác thông tin Nga can thiệp bầu cử

Chính quyền của Tổng thống Mỹ đã khẳng định sẽ "không có gì thay đổi" sau thông tin FBI đang điều tra mối liên hệ giữa quan chức chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump với Nga.
Chính quyền Mỹ tiếp tục bác thông tin Nga can thiệp bầu cử ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp ở Washington. DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một phản ứng mới nhất liên quan đến việc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác nhận đang điều tra mối liên hệ giữa quan chức chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã khẳng định sẽ "không có gì thay đổi" sau thông tin này, đồng thời tuyên bố không có bằng chứng về sự can dự này.

Trong một tuyên bố bằng văn bản công bố ngày 20/3, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Không có bằng chứng cho thấy sự câu kết giữa ông Trump và Nga, cũng như vụ bê bối Trump-Nga."

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cũng tuyên bố không có gì thay đổi sau phiên điều trần trước Quốc hội của lãnh đạo các cơ quan an ninh Mỹ về cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử năm ngoái. Các quan chức tình báo Mỹ vẫn khẳng định không có bằng chứng về mối liên hệ giữa êkíp tranh cử của Tổng thống Trump và giới chức Nga.

Về phần mình, trên tài khoản Twitter của mình, chủ nhân của Nhà Trắng, ông Donald Trump, đã khẳng định Nga vô can trong tiến trình bầu cử Mỹ.

Nghi vấn về việc Nga can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ đang khiến chính trường nước này thêm căng thẳng.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 20/3, Giám đốc FBI Comey đã lần đầu tiên xác nhận cơ quan này FBI đang điều tra những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, và đặc biệt là khả năng Moskva thông đồng với các quan chức chiến dịch của ông Trump.

Tuy nhiên, lãnh đạo FBI không cho biết cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu, những việc làm cụ thể cũng như những đối tượng mà cơ quan này đang theo dõi, do cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và mang tính bảo mật.

Cả ông Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia, Đô đốc Mike Rogers, người cũng có mặt trong phiên điều trần trên, đều tin rằng Nga đứng sau các hoạt động gây tổn hại uy tín của ứng cử viên Dân chủ Hilary Clinton, qua đó gián tiếp hậu thuẫn chiến dịch của ông Trump.

Cho tới nay, chính quyền Tổng thống Trump và Moskva vẫn luôn bác các thông tin về trao đổi giữa quan chức hai bên. Cũng trong ngày 20/3, không lâu trước phiên điều trần tại Hạ viện, Tổng thống Trump chỉ trích phe Dân chủ đã "dàn dựng" các thông tin trên nhằm "bào chữa cho sự thất bại của mình trong chiến dịch tranh cử."

Phiên điều trần ngày 20/3 là một sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng bởi trước khi xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, Giám đốc Comey chưa từng đưa ra bình luận nào về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Ngoài ông Comey, tham dự phiên điều trần này còn có nhiều quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ, bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mike Rogers, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương John Brennan, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper và cựu Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Sally Yates.

Để làm rõ nghi vấn trên, dự kiến Ủy ban tình báo của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành nhiều phiên điều trần và các cuộc thảo luận kín trong thời gian tới với Giám đốc Comey và các quan chức tình báo khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục