Chính sách của Mỹ sẽ lấy đi sinh mạng của 1,8 triệu bệnh nhân HIV/AIDS

Kế hoạch cắt giảm ngân sách cho các chương trình hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu của Tổng thống Trump có thể lấy đi sinh mạng của khoảng 1,8 triệu bệnh nhân.
Chính sách của Mỹ sẽ lấy đi sinh mạng của 1,8 triệu bệnh nhân HIV/AIDS ảnh 1Nhân viên y tế tư vấn cho một bà mẹ (giữa) bị nhiễm HIV tại Juba, Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kế hoạch cắt giảm ngân sách thường niên cho các chương trình hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể lấy đi sinh mạng của khoảng 1,8 triệu bệnh nhân HIV/AIDS tại Nam Phi và Côte d'Ivoire trong 10 năm tới.

Theo một nghiên cứu quốc tế của 11 nhà khoa học hàng đầu từ Mỹ, châu Âu và châu Phi, công bố ngày 28/8, kế hoạch cắt giảm này nằm trong dự toán ngân sách cho năm 2018 và sẽ cắt khoản tiền hàng năm dành cho Chương trình Cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) từ 6 tỷ USD/năm hiện nay xuống còn 5 tỷ USD.

Đây là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump với hàng loạt biện pháp giúp giảm gánh nặng tài chính của Mỹ trong các hoạt động cứu trợ quốc tế.

Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách dành cho PEPFAR này sẽ khiến hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS trên thế giới tử vong vì không được điều trị.

[Videographics] Virus HIV tấn công cơ thể người ra sao?

Các bệnh nhân HIV/AIDS tại Nam Phi và Côte d'Ivoire sẽ là những nạn nhân đầu tiên và hai nước này sẽ bị tác động mạnh nhất. Đây cũng là hai nước có tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS trên tổng dân số cao nhất thế giới.

Theo số liệu năm 2015, có khoảng 19% số dân trong độ tuổi trưởng thành ở Nam Phi nhiễm virus chết người này - tức khoảng 7 triệu người. Số bệnh nhân HIV/AIDS ở Côte d'Ivoire cùng thời điểm là 460.000 người.

Theo các tính toán khoa học, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch cắt giảm hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống HIV/AIDS toàn cầu nói trên, trong một thập kỷ tới, sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu bệnh nhân HIV/AIDS tại Nam Phi và Côte d'Ivoire tử vong, tương đương với khoảng 9 triệu năm sống của con người bị lấy đi. Số tiền mất đi cùng những người tử vong này ước tính là khoảng 600-900 USD/năm.

Chỉ bằng một phép tính nhân đơn giản có thể thấy con số thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền 1 tỷ USD cắt giảm cho PEPFAR.

Các kết quả tính toán này, giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu việc chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm ngân sách cho PEPFAR có đáng để đổi lấy sinh mạng của hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS trên thế giới hay không.

Trong 15 năm qua, các chính quyền tiền nhiệm tại Mỹ đã chi các khoản tiền lớn để cứu chữa cho bệnh nhân HIV/AIDS tại châu Phi.

Có tới 90% người nhiễm căn bệnh thế kỷ tại Côte d'Ivoire được chữa trị nhờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục