Chính sách ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Biển Đông, các học giả đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông và đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
Chính sách ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" tại thành phố Đà Nẵng, các học giả và các nhà nghiên cứu đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông và đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.

Tiến sỹ Pierre Jouround, nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự ở Paris, Pháp và ông Trần Bằng, Nhóm Nghiên cứu Biển Đông Nam Á tại Pháp phân tích liên quan đến chủ quyền, tính hợp pháp và vị thế thống trị, Biển Đông cơ bản là tranh chấp biển giữa các quốc gia, khi các chiến lược và hoạt động kinh tế tập trung chủ yếu trên biển.

Nhiều bên liên quan đến tranh chấp này như các chính phủ, các dịch vụ dân sự, hải quân và lực lượng tuần duyên, công ty dầu khí...

Tuy nhiên, có một nhân tố mới, với vai trò không đáng kể dù không có tính quyết định trong chiến lược của các quốc gia, đó là các chủ thể tư nhân, phi nhà nước, như các công ty quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ địa phương... gọi là "bên tham gia vì lợi nhuận."

Giáo sư Aileen Baviera, Trung tâm châu Á - Đại học Philippines, nhận định môi trường an ninh ở Biển Đông hiện nay khá phức tạp, với nhiều vấn đề khác biệt đan xen với nhau, tạo ra nhiều thách thức cho các bên tranh chấp, các quốc gia ven biển và các bên cùng chia sẻ lợi ích ở vùng biển này.

Trong khi có thể tạm thời giải quyết từng thách thức, nhưng có lẽ cần một cách tiếp cận thống nhất và toàn diện hơn để có thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo giáo sư Baviera, các sáng kiến hợp tác của các quốc gia liên quan ở Biển Đông cần tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin, đảm bảo an ninh, khai thác chung các nguồn tài nguyên, và các lĩnh vực hợp tác thiết thực khác, hay nói một cách khác liệu lợi ích của quốc gia có thể dung hòa với những mục tiêu lớn hơn của khu vực, như môi trường an ninh, sự phát triển chung và một trật tự ổn định trên biển...

Theo bà Jane Chan, Nghiên cứu viên và Điều phối viên, Chương trình An ninh Biển, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, các vấn đề biển ảnh hưởng lớn đến động lực quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và giữa Đông Nam Á với các nước bên ngoài khu vực. Tất cả các mối quan hệ đó đều hàm chứa cả yếu tố hợp tác và cạnh tranh.

Trong nỗ lực mở ra triển vọng hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp của khu vực, các mối đe dọa phi truyền thống trên biển trở thành vấn đề quan tâm chính. Không một quốc gia hay lực lượng hải quân đơn lẻ có thể một mình đối phó với các thách thức này.

Tuy nhiên, hiện đang thiếu một nhận thức chung về mối đe dọa và quan trọng hơn, thiếu các ưu tiên giống nhau để tạo ra động lực tăng cường hợp tác. Các biện pháp đối phó với những thách thức phi truyền thống mang đến phương tiện để các đối tác trong khu vực can dự, từ đó không chỉ hợp tác và phối hợp giúp giảm thiểu tác động của thách thức, mà còn xây dựng lòng tin.

Lòng tin, vốn rất quan trọng đối với an ninh biển, vừa đáp ứng được nhu cầu nhận thức về tình hình trên biển, vừa là cơ sở cho hợp tác an ninh biển rộng lớn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục