Chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại

Trước biến đổi nhanh chóng của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, trong 25 năm qua, chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Trước biến đổi nhanh chóng của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, trong 25 năm qua, dưới tác động của toàn cầu hóa, chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Điều này đã được nhìn nhận tại Hội thảo khoa học "Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 13/9.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều nội dung chỉ đạo của Đảng về vấn đề tôn giáo chậm được pháp luật hóa và thể chế hóa để triển khai trên thực tế. Một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, không có khả năng thực thi, chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc tinh thần đổi mới của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.

Cơ chế xin phép, cho phép trong chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng còn nặng nề dẫn đến một sự hiểu lầm về chính sách, pháp như một định chế và áp lực của Nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo.

Pháp luật về tôn giáo chưa mang tính đồng bộ và thống nhất, chưa đủ sức mạnh về pháp lý như một bộ luật để bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do tôn giáo của người dân, cũng như xử phạt những hành vi vi phạm...

Trên cơ sở phân tích, làm rõ quan điểm đổi mới về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo của Đảng từ năm 1990 đến nay; những thành tựu, hạn chế trong 25 năm qua, đại biểu cho rằng, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa theo hướng giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước-Giáo hội trong bối cảnh bình thường hóa, dân sự hóa, nhà nước pháp quyền về tôn giáo, thích ứng với các tiêu chí quốc tế và thực tiễn đời sống tôn giáo. Xây dựng một chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng với phương châm chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân và tín đồ là thước đo giá trị, chuẩn mực. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng còn cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, khắc phục được những hạn chế trước đây và dự báo được những thay đổi trong tương lai.

Nhìn lại 25 năm đổi mới chính sách tôn giáo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tín ngưỡng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng các quan điểm của Đảng đối với tôn giáo đã thể hiện rõ tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo; tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo về văn hóa, về chính trị.

Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã thể hiện những quan điểm của Đảng về tôn giáo với những nội dung mới, đặt tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn trong quyền con người, Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người. 25 năm qua, tình hình tôn giáo ở Việt Nam đã có những chuyển biến căn bản. Từ chỗ chỉ có ba tổ chức được hoạt động hợp pháp trước đổi mới, đến nay đã có 40 tổ chức tôn giáo được đăng ký và công nhận, có địa vị pháp lý, hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.

Theo tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân, khi xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cần rà lại các vấn đề lớn của các quy định pháp luật hiện hành về nội dung hoạt động tôn giáo, hình thức quản lý hoạt động tôn giáo, đầu mối quản lý hoạt động tôn giáo. Cần chính thức công nhận pháp nhân tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi lợi nhuận. Việc chính thức công nhận tư cách pháp nhân được các tổ chức tôn giáo mong đợi để thể hiện sự bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.

Hoạt động truyền giáo trong hoàn cảnh mới cần phải nhìn nhận là việc bình thường của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, là “thiên chức” của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo, cần có quan điểm lịch sử và cụ thể trong ứng xử với các hoạt động truyền giáo. Trong Luật cần có sự “nới mở” cần thiết đối với hoạt động truyền giáo cho phù hợp. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ chủ thể truyền đạo, cách thức, hình thức, phạm vi truyền đạo, khi nào truyền đạo phải xin phép.

Tiến sỹ Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, tôn giáo có thể có đóng góp rất ý nghĩa đối với mở rộng phúc lợi xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội, giáo dục và khuyến khích công dân sống có trách nhiệm hơn đối với đất nước.

Thực tế, Nhà nước không thể và cũng không nên cáng đáng toàn bộ công việc cung cấp phúc lợi xã hội,đặc biệt là công tác từ thiện xã hội, ứng cứu lúc thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người mắc tệ nạn xã hội. Trong khi đó, các tôn giáo với sức mạnh của niềm tin tôn giáo và đạo đức tôn giáo, có thể làm tốt những việc này. Tạo hành lang pháp lý phù hợp là cách khôn ngoan để giải phóng sức mạnh của họ và ba bên: Nhà nước, tổ chức tôn giáo và người dân thuộc đối tượng hưởng phúc lợi xã hội sẽ cùng có lợi.

Các đại biểu cũng luận giải nhiều vấn đề nhằm cung cấp những luận cứ khoa học va cơ sở thực tiễn xác đáng cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong thời gian tới; đưa ra giải pháp giải quyết căn bản những vướng mắc giữa các tôn giáo, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, đoàn kết tôn giáo, nhằm huy động sức mạnh của các tôn giáo tham gia xây dựng đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục