Chính sách xử lý khủng hoảng người tị nạn bước đầu đạt hiệu quả

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên tiếng hoan nghênh những thành quả đầu tiên của chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu.
Chính sách xử lý khủng hoảng người tị nạn bước đầu đạt hiệu quả ảnh 1Người tị nạn và di cư đợi để qua biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên tờ Bild của Đức số ra ngày 16/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên tiếng hoan nghênh những thành quả đầu tiên của chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu.

Ông Juncker nhấn mạnh chính sách xử lý khủng hoảng người tị nạn "rốt cuộc đã đạt được những thành quả đầu tiên."

Nếu như hồi tháng 9/2015 chỉ có thể lấy dấu vân tay của 8% số người tị nạn tại Hy Lạp thì nay tỷ lệ này đã là 90%. Tuy nhiên, theo ông cần mất thêm thời gian để thực thi tất cả các biện pháp mà châu Âu đã đạt được trong những tháng qua.

Ông cũng hoan nghênh những biện pháp quan trọng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp giảm số lượng người tị nạn vào EU.

Theo Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex), hiện số người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp đã giảm xuống còn trung bình 2.000 người/ngày so với mức 7.000 người/ngày trong tháng 10/2015.

Chủ tịch EC cũng bày tỏ tin tưởng sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay với các chính sách đã được ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất, coi đây là hướng đi đúng đắn nhằm giảm số người tị nạn vào châu Âu.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên báo Stuttgart, Thủ tướng Merkel tái khẳng định một giải pháp quy mô châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Theo nhà lãnh đạo Đức, để giảm lâu dài số người tị nạn, cần phải bảo vệ khu vực biên giới ngoài của EU cũng như giải quyết nguyên nhân khiến người dân phải chạy nạn.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận được Chính phủ Đức công bố cho thấy đa số người Đức (82%) và người châu Âu (68%) ủng hộ một chính sách di cư chung của châu Âu.

Theo cuộc thăm dò, 76% số người Đức được hỏi coi di cư là vấn đề quan trọng nhất mà châu Âu đang phải đối mặt.

Kết quả này cho thấy người dân Đức cũng như châu Âu vẫn kỳ vọng rằng EU và mỗi nước thành viên cần phải cùng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục