Chính thức công nhận Ban đại diện lâm thời Giáo hội Mặc Môn

Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao quyết định công nhận Ban đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kitô Việt Nam, hay còn gọi là Mặc Môn.
Chính thức công nhận Ban đại diện lâm thời Giáo hội Mặc Môn ảnh 1Ông Phạm Dũng phải) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trao Quyết định cho Ban Đại diện lâm thời Giáo hội Mặc Môn. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 30/5, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao quyết định công nhận Ban đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kitô Việt Nam, hay còn gọi là Mặc Môn.

Chúc mừng các tín đồ Mặc Môn, ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ bày tỏ tin tưởng các tín đồ tiếp tục thực hiện nếp sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, gắn bó với cộng đồng, hy vọng thời gian tới, Giáo hội Mặc Môn sẽ là tổ chức tôn giáo thứ 38 và là tôn giáo thứ 14 được công nhận tại Việt Nam.

Ban Đại diện lâm thời Mặc Môn Việt Nam là cơ quan đại diện cho cộng đồng tín đồ Mặc Môn tại Việt Nam trong các quan hệ đối nội và đối ngoại.

Ban đại diện hoạt động theo quy chế, có nhiệm kỳ 2 năm, thành viên do tín đồ Việt Nam bầu chọn. Nhiệm kỳ đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 5 năm nay đến tháng 5/2016 với một trưởng ban và hai ủy viên.

Giáo hội Mặc Môn được truyền vào Việt Nam từ năm 1962, được chính quyền Sài Gòn (cũ) cấp đăng ký hoạt động vào năm 1967.

Tính đến năm 1975, Giáo hội có khoảng 3.000 tín đồ người Việt. Sau năm 1975, cũng như nhiều tổ chức Tin lành khác, Giáo hội Mặc Môn tạm ngưng hoạt động về mặt tổ chức, phần lớn tín đồ di tản ra nước ngoài, số tín đồ còn lại vẫn giữ đạo tại gia.

Năm 1995, giáo hội Mặc Môn hoạt động trở lại, hình thành 2 điểm nhóm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, Giáo hội Mặc Môn Việt Nam có gần 1.000 người tin theo, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesu Kitô được hình thành ở Mỹ vào đầu thế kỷ XIX. Đây là một tôn giáo lớn, có uy tín trên thế giới với gần 16 triệu tín đồ, ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 80 ngàn nhà truyền giáo, 141 đền thờ, 4 trường đại học và cao đẳng, 15 trung tâm huấn luyện truyền giáo.

Giáo hội thực hiện chủ trương giáo lý, luật lệ, lễ nghi và đường hướng hoạt động ôn hòa, thượng tôn pháp luật. Tín đồ có nếp sống khá lành mạnh, không uống chất có cồn, không hút thuốc lá, đề cao hôn nhân, sự chung thủy và nghĩa vụ công dân; việc đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác như là một phần tôn giáo của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục