Chịu trận trước hàng nhái: Doanh nghiệp đơn phương chắc... bó tay!

Việc phân biệt hàng nhái rất khó, nếu nhìn gần và quan sát kỹ mới có thể phát hiện ra, nếu cơ quan chức năng vào cuộc và có những quy định rõ ràng hơn mới góp phần giảm thiểu nạn hàng giả, hàng nhái.
Chịu trận trước hàng nhái: Doanh nghiệp đơn phương chắc... bó tay! ảnh 1Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen đang chia sẻ những khó khăn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra ngày một phức tạp và tinh vi, điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp chân chính mà bản thân người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, mỗi năm lực lượng này xử phạt hàng nghìn vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tuy nhiên để triệt tận gốc thì vẫn còn nhiều thách thức.

Để có một cách nhìn đa chiều về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, phóng viên VietnamPlus đã phỏng vấn bà Trần Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen để thấy được những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp trong việc đấu tranh và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.

- Hiện nay hàng giả, hàng nhái đang diễn ra hết sức phức tạp, dưới góc độ doanh nghiệp, bà có đánh giá thế nào về vấn đề này nhất là trong lĩnh vực nước giải khát?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Những năm gần đây, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã phát triển để đáp ứng các yêu cầu về hàng tiêu dùng cho xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có chất lượng thì tình trạng hàng giả, háng nhái cũng diễn biến phức tạp, len lỏi song song với hàng thật từ đó gây nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tôi có thể lấy một ví dụ, một sản phẩm đưa ra thị trường, đã có chỗ đứng và được nhiều người tiêu dùng sử dụng thì cũng phát sinh ra nhiều hàng nhái. Việc làm hàng nhái ngày càng tinh vi, thường bắt chước hình ảnh gần giống với sản phẩm đã có trên thị trường làm cho khách hàng và người tiêu dùng nhầm lẫn giữa sản phẩm chất lượng tốt với sản phẩm chất lượng kém.

Điều này theo tôi các doanh nghiệp chân chính cũng bị nhiều thiệt hại, cả về thị phần lẫn uy tín, bởi nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, dẫn đến việc sử dụng hàng giả nhưng cứ tưởng hàng thật làm cho uy tín của hàng thật bị giảm.

Thiệt hại lớn hơn là của người tiêu dùng, bởi hàng nhái chất lượng kém, giá rẻ sẽ làm tổn hại đến sức khỏe, vì vậy ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải vào cuộc, trong đó cơ quan quản lý vệ sinh thực phẩm phải đặt ra được những mục tiêu, tiêu chí cho từng loại sản phẩm, ngành hàng để đạt được cấp độ nào thì mới có thể được cấp giấy chứng nhận trước khi đưa ra thị trường.

Một thực tế nữa là hiện nay, hàng giả, hàng nhái còn được đưa vào thị trường từ nguồn nhập khẩu do vậy về mặt luật pháp, theo tôi cũng nên có những quy định rõ nét hơn để xử lý hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cũng góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng như đẩy lùi được hàng giả, hàng nhái.


- Bà vừa nói đến vấn đề hàng nhái hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể để ngăn chặn, vậy ở góc độ doanh nghiệp bà có thể nói một cách cụ thể hơn, mức độ như thế nào?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Thực ra hàng giả thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể làm dễ hơn nhưng còn hàng nhái thì thực sự đến thời điểm này như tôi được biết chúng ta vẫn chưa có luật nào nói rõ về vấn đề này, cho nên đây cũng là một kẽ hở để hàng nhái trà trộn vào gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng.

Đơn cử như sản phẩm nước chanh leo Pushmax của Đại Việt, mặc dù được bán rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao, nhưng hiện tại đã xuất hiện sản phẩm nhái, bắt chước kiểu dáng sản phẩm của công ty để bán ra thị trường.

Việc phân biệt hàng nhái rất khó, nếu nhìn gần và quan sát kỹ mới có thể phát hiện ra, nhưng nhìn từ xa thì từ màu sắc, hình logo thì trông khá giống, thậm chí khi để nguyên thùng 24 lon thì rất khó phân biệt được.

Trong khi đó, người tiêu dùng chỉ nhận biết được sản phẩm thông qua màu sắc và không hiểu kỹ tên sản phẩm nên không nhớ để lựa chọn, với màu sắc giống nhau thì mua, chính vì vậy đã gây ra nhầm lẫn.

Từ thực tế trên, nếu cơ quan chức năng vào cuộc và có những quy định rõ ràng hơn về kiểu dáng, mẫu mã sẽ góp phần giảm thiểu nạn hàng nhái.

Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm chất lượng kém, thậm chí là không rõ nguồn gốc xuất xứ rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nếu một năm chúng ta chi rất nhiều tiền cho lĩnh vực y tế thì việc ngăn chặn từ xa như vậy sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Chịu trận trước hàng nhái: Doanh nghiệp đơn phương chắc... bó tay! ảnh 2Sản phẩm nước chanh leo nhái của Pushmax có màu sắc và mùi vị rất khó chịu do làm từ hương liệu (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Vậy ở góc độ doanh nghiệp, Công ty của bà đã có những giải pháp nào để có thể bảo vệ người tiêu dùng?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Tập đoàn Hương Sen được thành lập đầu tiên từ những năm 1980, còn lĩnh vực đồ uống cũng được phát triển từ năm 1998 đến nay.

Từ khi đầu tư, chúng tôi luôn có tâm niệm là làm sao để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng quốc tế, nhưng giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, cũng chính vì vậy mà máy móc thiết bị mà công ty đầu tư cũng đều từ châu Âu, đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm rất cao, các quy trình, công nghệ được làm rất kỹ và khâu lựa chọn nguyên liệu cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm đưa ra thị trường đều đảm bảo các yêu cầu cao nhất, tuy nhiên đây chỉ là một phần.

Quan trọng nhất là việc đầu tư cho thương hiệu mới là vấn đề khó khăn và chi phí rất lớn, từ việc triển khai hệ thống phân phối làm sao có tính chuyên nghiệp cao rồi dịch vụ cho tốt, cũng như việc quảng cáo, khuyến mãi đến tay người tiêu dùng nhằm đảm bảo tốt nhất.

Khi doanh nghiệp làm vấn đề đó, ngoài mục đích về kinh doanh thì còn mong muốn đem sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, có thể thấy thời gian đầu doanh nghiệp luôn bị lỗ và chỉ thu hồi lại khi thương hiệu mạnh, nhưng nếu bị một doanh nghiệp khác làm hàng nhái và cạnh tranh không lành mạnh thì chắc chắn uy tín của công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chủ sở hữu không vào cuộc cùng các cơ quan chức năng để chống lại hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi, vậy bà có đánh giá thế nào về nhận xét trên?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Chúng tôi đã có nhiều biện pháp như phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, đồng thời yêu cầu nhân viên phải trực tiếp giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán để giúp người tiêu dùng nhận biết được cả về chất lượng lẫn mẫu mã của hàng thật tránh sử dụng phải hàng nhái, đây cũng là một hình thức.

Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp chắc không thể làm hết được, do vậy chúng tôi mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, cảnh báo những vi phạm để người tiêu dùng được biết, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Đơn cử, sản phẩm chanh leo Pushmax của Đại Việt thì logo được in hình chiếc lá, có hai màu là xanh coban và xanh tím, ở giữa có chữ Pushmax nhưng logo của hàng nhái cũng có hình chiếc lá, nhưng lại sứt hai bên cạnh và chỉ có 1 màu xanh tím... ngoài ra trên lon của sản phẩm có in tên của Đại Việt, đồng thời được ghi rõ không có chất bảo quản và đường hóa học in kèm với sản phẩm.

Nếu doanh nghiệp tự làm thì chắc rất khó khăn mà nếu được các cơ quan chức năng chung tay vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chắc chắn hàng nhái sẽ giảm thiểu cũng như không có chỗ đứng trên thị trường.

Chịu trận trước hàng nhái: Doanh nghiệp đơn phương chắc... bó tay! ảnh 3Với chất lượng của sản phẩm nhái khó xác định ((cốc bên trái) nên rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Bà có kiến nghị gì để công cuộc chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao nhất?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Như tôi đã nói, hiện các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp tuy nhiên vẫn còn hạn chế cho nên vấn đề hàng giả, hàng nhái vẫn còn thịnh hành và nguy cơ ngày một lớn hơn, do vậy cần phải ngăn chặn từ gốc, tập trung ngay tại nơi sản xuất và các cửa khẩu.

Trong thời gian vừa qua, không chỉ hàng nhái ở trong nước mà ngay cả hàng nhập lậu trong lĩnh vực thực phẩm cũng diễn ra hết sức phức tạp, nhiều sản phẩm thậm chí mốc, thối vẫn tồn tại và nguyên nhân nằm ở đâu? rõ ràng các cơ quan chức năng nếu làm chặt từ nơi nhập khẩu thì những hàng hóa kém chất lượng đó sẽ không vào được Việt Nam.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, nếu hàng nhập khẩu vào nước họ không đạt yêu cầu thì hàng hóa đó sẽ phải quay trở về để hủy chứ không được hủy tại chỗ, do vậy ở Việt Nam cũng phải có biện pháp mạnh như vậy.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục