Cho thuê đất trái thẩm quyền, "quan xã" vẫn "nhắm mắt" xác nhận

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tại xã Tiên Dược còn tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, vốn được cán bộ thôn cho thuê trái thẩm quyền.
Cho thuê đất trái thẩm quyền, "quan xã" vẫn "nhắm mắt" xác nhận ảnh 1Công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Chưa hết bất ngờ về hành vi “đầu độc” môi trường trắng trợn của các cơ sở nhựa tái chế, tại thôn Dược Hạ, (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), chúng tôi đã ngay lập tức nhận được thông tin một loạt nhà xưởng “mọc lên” trái phép trên đất nông nghiệp được cán bộ thôn cho thuê trái thẩm quyền trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương vẫn ký xác nhận cho… tồn tại.


Cho thuê đất trái thẩm quyền?

Trong thời gian tiếp cận “thủ phủ” sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tại xã Tiên Dược, chúng tôi đã phát hiện hàng loạt hộ dân được cán bộ thôn Dược Hạ cho thuê đất nông nghiệp trái thẩm quyền trong thời gian dài để trồng cây ăn quả, nhưng thực tế lại được “biến” thành nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như khu vực sản xuất của ông Vũ Văn Chung tại khu Mả Mồ, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược có diện tích 3.960m2. Ngày 24/4/2013, ông Nguyễn Văn Dãi, trưởng thôn Dược Hạ đã ký hợp đồng thuê đất với ông Chung trong thời gian 20 năm (tính từ ngày 1/3/2000). Tại văn bản số 1889/UBND-TNMT, ngày 10/12/2014, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Tạ Văn Đạo đã khẳng định việc ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa đại diện thôn Dược Hạ với ông Vũ Văn Chung là không đúng thẩm quyền.

​Cũng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất trên, có xác nhận của ông Dương Văn Năng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược (năm 2013), toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ông Chung thuê được sử dụng để trồng cây ăn quả. Thế nhưng, hiện nay, một phần diện tích trên đã “biến” thành nhà xưởng sản xuất nhựa tái chế trái phép.

Hiện tại, trên diện tích đất nông nghiệp ông Chung thuê đã “mọc lên” một căn nhà cấp 4, một nhà xưởng kiên cố bằng khung thép, lò đốt, trạm điện biến áp công suất lớn và tường bao kiên cố... để phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa tái chế.

Chia sẻ về việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên, ông chủ nhựa tái chế nổi tiếng ở thôn Dược Hạ cho rằng, tại vùng quê này, không chỉ ông mà phần lớn các cơ sở thuê đất nông nghiệp khác đều được cán bộ thôn cho thuê trong khoảng thời gian 20-30 năm, với mục đích cam kết ban đầu là trồng cây ăn quả.

Thế nhưng, sau một thời gian thuê đất, hầu hết các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã tận dụng diện tích đất nông nghiệp được thuê để xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng kiên cố, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất nhựa tái chế, nghề mới và mang lại thu nhập cao hơn.

“Đất ở đây, ngày trước hoang sơ lắm. Về sau, bà con cần đất phát triển sản xuất nên thôn làm hợp đồng cho thuê đất trong thời gian dài. Mục đích đất thuê theo hợp đồng là để trồng cây ăn quả, nhưng thực tế mấy ai sử dụng đúng đâu,” Chung thành thật.

Tương tự, khu vực sản xuất của hộ ông Lê Văn Hoan tại khu Mả Mồ, xã Tiên Dược có diện tích 1.800m2 là đất sản xuất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP. Năm 2004, gia đình ông Hoan đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà xưởng sản xuất tạo nhựa khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà ông Hoan được giao đã “mọc lên” một căn nhà cấp 4 liền với khu nhà kho, nhà xưởng sản xuất, lò đốt, mặt nền phủ kín bêtông cùng với hệ thống tường bao kiên cố…

Theo văn bản số 1889/UBND-TNMT ngày 10/12/204 của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, việc ông Hoan tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng để sản xuất nhựa tái chế đã vi phạm Khoản 2, Điều 37, Luật Đất đai 2013 và Điều 2, Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ; và Khoản 2, Điều 59, Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài các trường hợp nêu trên, văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn từ ngày 22/8/2014 cũng nêu rõ, trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược còn có hàng chục trường hợp sản xuất, xây dựng nhà xưởng vi phạm trên đất ở, đất nông nghiệp cho thuê và thầu đất trái thẩm quyền.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các trường hợp vi phạm nêu trên vẫn chưa được Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược xử lý. Thậm chí, có một số trường hợp như cơ sở sản xuất của ông Chung, ông Hoan… đã nhiều lần bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, yêu cầu tháo dỡ công trình nhưng đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cho thuê đất trái thẩm quyền, "quan xã" vẫn "nhắm mắt" xác nhận ảnh 2Thông báo về các trường hợp vi phạm đất đai tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn.

“Quan xã” phớt lờ xử lý

Trước thắc mắc của phóng viên về việc tại sao Ủy ban nhân dân xã lại đồng ý cho thôn cho thuê đất trong thời gian dài, ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược thừa nhận, trong năm 2013, ông đã ký xác nhận một số hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa thôn và người dân. Mục đích là​ để trồng cây ăn quả.

“Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số hộ đã chuyển sang sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát. Nghề này, họ thấy lợi nhuận cũng được nên đua nhau làm, tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất ở và đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch của thôn, xã,” ông Năng nói.

Vị Chủ tịch này cũng khẳng định, ngay sau khi phát hiện việc các hộ dân sử dụng đất không đúng mục đích, chính quyền xã đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các trường hợp vi phạm tháo dỡ công trình, nhưng do quá trình tồn tại nhiều năm nên đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

“Cái khó ở đây là các cơ sở sản xuất-người ta đã đầu tư lớn rồi, bây giờ nếu cưỡng chế toàn bộ sẽ ảnh hưởng đến người lao động ở đây. Trong việc này, xã xác định là xử lý nghiêm, tuy nhiên cái tầm của xã cũng chỉ có thể tuyên truyền, báo cáo lên huyện chờ chỉ đạo giải quyết, chứ không thể một lúc xử lý ngay được,” ông Năng nói thêm.

Trước đó, ngày 20/1/2014, trong Biên bản làm việc giữa Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Sóc Sơn do bà Lê Thị Hải - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn làm trưởng đoàn với các trường hợp vi phạm cũng đã xác định, hàng loạt cơ sở xuất nhựa tái chế tại thôn Dược Hạ vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước...

Vì thế, ​Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở sản xuất nhựa tái chế vi phạm trên dừng hoạt động từ 1/2014 và chỉ hoạt động khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Tiếp đó, ngày 7/3/2014, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn tiếp tục ra văn bản số 234/UBND-VP, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược lập hồ sơ đối với các cơ sở xây dựng nhà xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp, đất công ích, đất không đúng đối tượng; tổ chức thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với một số trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, tất cả các quyết định xử phạt, yêu cầu đình chỉ của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất nhựa tái chế xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường cũng chỉ... nằm trên giấy.

Theo thông báo kết luận của đồng chí Tạ Văn Đạo - Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn về việc xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Tiên Dược, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên là do tiến độ xử lý các cơ sở vi phạm của Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược vẫn còn chậm, chưa thực sự quyết liệt.

“Mặc dù các phòng, ban, ngành của Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung hướng dẫn nhưng đến nay, công tác xử lý vi phạm vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra,” thông báo số 314/TB-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn ngày 22/8/2014 nêu rõ.

Trước tình hình trên, ông Tạ Văn Đạo yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược tổ chức rà soát, xác định nguồn gốc đất, phân loại để xử lý đối với 49 trường hợp sản xuất, xây dựng nhà xưởng vi phạm trên đất công ích và đất nông nghiệp để thanh lý các hợp đồng cho giao, thuê thầu đất trái thẩm quyền.

Ngoài ra, ông Đạo cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược thông báo đến các chủ vi phạm tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng của đất ban đầu và sử dụng đất đúng mục đích. Thời gian thiết lập hồ sơ xong trước ngày 31/8/2014. Thời hạn tổ chức cướng chế xong trước ngày 30/9/2014.

Riêng với 67 trường hợp sản xuất, xây dựng nhà xưởng vi phạm trên đất ở, lãnh đạo Ủy ban nhân Sóc Sơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược thuyết phục các hộ dân chuyển đổi nghề nghiệp và dừng sản xuất trong khu dân cư. Tổ chức kiểm tra lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm về môi trường để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động trước ngày 5/9/2014.

Vậy nhưng, đến nay, hàng chục công trình vi phạm trên vẫn không bị cưỡng chế theo quy định mà tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất còn ngang nhiên mở rộng quy mô sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

Trước thực trạng hàng loạt cơ sở sản xuất nhựa tái chế tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, tự ý “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng và gây ô nhiễm môi trường, đầu năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm. Vậy nhưng, đến nay, hàng chục cơ sở thuộc diện phải cưỡng chế vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.”

Bài 3 - Hà Nội xử lý cơ sở “đầu độc” môi trường: Cơ quan cấp huyện bất lực!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục