Cho ý kiến dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Chiều 13/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 13/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Sơn nêu rõ sau hơn 10 năm thực hiện Luật tổ chức Tòa án năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, hệ thống Tòa án đã từng bước được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy hệ thống Tòa án ở Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Tổ chức và hoạt động của các Tòa án chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền.

Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Những khiếm khuyết, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, một mặt làm hạn chế vai trò và sự phát triển, tiến bộ của cơ quan Tòa án, mặt khác gây ra những bức xúc, đòi hỏi của Nhà nước và xã hội trong việc củng cố, kiện toàn cơ quan Tòa án.

Một nội dung quan trọng khác, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân, về Thẩm phán Tòa án Nhân dân đã được bổ sung, sửa đổi. Đây là những nội dung lớn, cần được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Tòa án Nhân dân xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Dự thảo Luật gồm 11 chương, 91 điều.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc xây dựng dự án Luật phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,” Kết luận số 79- KL/TW “về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kết luận số 64-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI.

Đặc biệt việc xây dựng Dự án Luật phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Trên cơ sở đó nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát và chỉnh sửa lại một số nội dung cụ thể cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo và yêu cầu trong xây dựng dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng lần này dự án Luật sửa đổi rất nhiều nội dung nhưng cần đi theo hướng để tổ chức tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử. Ông Lý nhận xét nhiều nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức hoạt động trong dự án Luật chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Trên cơ sở dẫn chứng một loạt những nội dung cần được chỉnh sửa cho phù hợp với Hiến pháp và các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để chỉnh sửa hợp lý.

Thảo luận về thẩm quyền thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự, một số ý kiến cho rằng việc dự thảo Luật giao cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao thẩm quyền quyết định thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án Nhân dân cấp cao, và Tòa án quân sự (sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) là chưa phù hợp với khoản 6 Điều 70 của Hiến pháp quy định “Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân.”

Đây là những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Tán thành với việc xác định Tòa án Nhân dân tối cao có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định Học viện Tòa án (Điều 19 dự thảo Luật) gồm các Trường, Viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học, vì đây chính là quy mô của một Đại học Quốc gia, theo quy định do Chính phủ thành lập.

Trong khi yêu cầu chính của Học viện Tòa án là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Tòa án các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân. Việc tổ chức đào tạo bậc đại học và sau đại học cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ để phù hợp với tình hình, thực trạng đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay.

Nhiều ý kiến không tán thành có quy định về “Thẩm phán ngoài ngạch,” vì Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 của Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án. Do đó, dự thảo luật quy định Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao bổ nhiệm Thẩm phán ngoài ngạch là không phù hợp.

Tại buổi làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung án lệ; đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án Nhân dân tối cao.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục