Chọi gà đất Hà thành

Công phu nghề chơi chọi gà ở đất Hà thành

Chọi gà đã là thú vui của người kinh kỳ từ hàng thế kỷ và nay, hàng chục xới gà ở Hà thành vẫn đang hấp dẫn đông đảo người chơi.
Hà Nội một chiều cuối đông. Ánh đèn đường đổ bóng dài xuống những lưng người đứng ngồi lố nhố tại bãi đất phía cổng công viên Tuổi trẻ. Trước mặt họ, hai chú gà chọi đang lao vào cuộc thư hùng quyết liệt.

Các đấu sĩ áp sát nhau, "khóa cổ" rồi tìm cách tung những ngón đòn hiểm hóc, dũng mãnh về phía đối thủ. Chú gà lông tía bỗng nhảy vụt lên, hai chân tung cao, xoè ra rồi bổ quặp xuống đầu con lông xám...

Từ nhiều thế kỷ nay, chọi gà đã là thú vui của người dân thành phố ngàn năm tuổi. Người Hà thành mê chọi gà không chỉ bởi sức hấp dẫn từ đấu pháp, tài nghệ của những "đấu sĩ" này, mà niềm đam mê đó còn thể hiện khát vọng thượng võ, nét văn hóa truyền thống của người kinh kỳ.

Nghề chơi lắm công phu

Áo nhàu nhĩ xắn cao, anh Trần Ðức Hanh nhúng tay vào chiếc bát con, vốc từng vốc nhỏ nước nghệ ngâm với rượu trắng để xoa bóp cho chú gà chọi của mình. Con gà xám mơ cao, to, dáng oai phong, rướn cổ, khoan khoái tận hưởng những cử chỉ vỗ về của chủ.

Anh Hanh là tay chọi gà “sừng sỏ” đã hơn 10 năm nay. Nói tới Hanh "tươi" ở ngõ Quỳnh, thì sới gà Long Biên, Bách Thảo, Vân Hồ (Hà Nội) có lẽ hiếm người không biết tới người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần, thấp bé, râu rậm, mê chọi gà như điếu đổ.

Anh Hanh kể: "Cả đời tôi chỉ có một thú vui duy nhất là chọi gà, từ thủa 12, 13 tuổi, tôi đã chập chững làm quen với trò chọi gà. Tôi thích cái chất máu lửa, quyết đấu của trận thư hùng giữa hai chú gà, lại yêu cái dịu dàng khi được chăm sóc, chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành của gà con. Những tình cảm ấy tự nhiên ngấm sâu, in đậm trong tôi. Hiện nay, lúc nào trong nhà tôi lúc nào cũng thường trực năm, sáu con gà chọi."

Vuốt ve chiếc cổ trụi lụi, da dầy, đỏ sần của chú gà "cưng", anh Hanh tâm sự, để "đúc" được con gà chọi ưng ý thì rất cầu kỳ, công phu, tốn thời gian. Người nuôi phải khắt khe từ việc chọn giống, gây giống, xem tướng gà đến nuôi dưỡng, luyện tập cho gà.

Chọn gà phải lựa từ khi còn non và phải thuộc dòng gà có mẹ là con mái khỏe mạnh, bền bỉ, gan dạ, sức chịu đòn tốt, còn gà bố phải có chân đá hiểm hóc, sở hữu nhiều ngón đòn hay. Đồng thời, chỉ "chấm" những con có mỏ to thẳng, miệng rộng, đầu nhỏ theo xuôi với cần cổ, lưng rộng, cánh dài, đùi to, chân thanh, ngón thắt...

Muốn cho gà chọi ra sới đấu ít khi phải chịu thất bại thì chế độ ăn của gà được người nuôi rất coi trọng.

Một ngày gà chỉ được ăn 2 diều lúa, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít thức ăn tươi. Nếu ăn nhiều quá, gà sẽ bị béo, giảm sự linh hoạt, nhanh nhẹn.

Thấy anh Hanh dốc bầu tâm sự với khách về chuyện "đúc" gà, ông Trần Ðức Tạm, bố anh Hanh, cũng là một cao thủ dầy dạn kinh nghiệm trong làng chọi gà Hà Nội, vui vẻ góp chuyện, khi gà "chấm niên", nghĩa là tròn một tuổi, mới được đem huấn luyện “chiến đấu”, cho đá tập với một con gà khác.

Cách này giúp gà luyện những đòn, thế cơ bản như các chiêu đánh vào mình, vai và khu vực tam giác trước cổ (gọi là kiềng), đánh từ bên cạnh, đánh ngang (gọi là mé), hay chui vào dưới cánh, đánh ngược lên (đánh kiểu thông vỉa), và cũng giúp người nuôi khám phá ra tính nết và ngón võ hay của gà nhà.

Bên cạnh đó, để lớp ga dà dày, có sức chịu đựng tốt thì người nuôi còn dùng nghệ tươi, phèn chua, đem giã nát rồi ngâm rượu để xoa cho gà mỗi ngày và cho gà phơi nắng thường xuyên. Đến khi được một năm rưỡi là "hai thày trò" có thể đem nhau ra "xới" chọi với gà khác.

"Đúng thời điểm mới được phép mang ra thi đấu. Nhiều người chơi thiếu kinh nghiệm và háo thắng hay ép gà đá non đã chịu thảm bại dưới tay các bậc đàn anh trong nghề. Vì vậy mới có người đúc kết kinh nghiệm in hẳn thành sách bán". Ông Tạm thủng thẳng nói.

Tinh thần thượng võ

Nhiều người Hà thành mê chọi gà còn nhớ như in trận thư hùng vô tiền khoáng hậu tại vườn Bách Thảo cách đây gần 20 năm trước. Lần đó, Bách lửa và Ô tía, hai con gà chọi có tiếng thời điểm đó của hai chủ kê xới Vân Hồ và xới Bách Thảo, đánh ròng rã đến hiệp thứ 13, con Bách lửa bị đối thủ mổ mất một bên mắt, da trên cổ bong ra một mảng lớn, máu chảy chan hoà, song vẫn anh hùng giơ ngực chịu đòn.

Phía xới Vân Hồ đã có người dao động, xầm xì xin thua. Song nhìn ánh mắt còn lại của con Bách lửa vẫn chói lên tia lửa dữ dội xoáy vào địch thủ, mặc cho đối phương vươn cổ, diễu võ dương oai, tay chủ xới Vân Hồ vẫn giữ hy vọng.

Chịu đòn đến hiệp 17, con Bách lửa bất ngờ vọt lên cao, dùng cả hai chân đá móc đối thủ một đòn hiểm hóc. Bị móng nhọn xé rách tai, xuyên vào má, xốc thẳng lên đầu, con Ô tía máu chảy đẫm xuống cổ, phản xạ thiếu chuẩn xác. Bách lửa nhanh chóng bồi thêm những cú đá, cú mổ trời giáng vào đầu địch thủ.

Dính đòn đau, Ô tía không chịu nổi, choáng váng, bỏ chạy khỏi sới. Chủ nhân chú gà Ô tía thua cuộc mà không khỏi ngỡ ngàng.

"Nếu cuối những năm 80 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - thời điểm huy hoàng của làng chọi gà Hà Nội - giới chọi gà từ Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, đến Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ quanh quẩn tụ tập tại vườn Bách Thảo, sân vận động Long Biên, để so cựa với gà chọi Hà thành.

Và mỗi trận thư hùng như vậy, từ già trẻ, lớn bé, từ ông già tóc bạc phơ đeo kính lão đến cậu học sinh 13, 14 tuổi, từ ông giám đốc đến anh xe ôm... đều bị hấp dẫn trước các miếng đánh, lối ra đòn hiểm hóc, biến hoá khôn lường của các "đấu sĩ".

Nhưng hiện nay chỉ tính sơ sơ, có đến hàng chục xới gà, điểm chọi gà ở Hà Nội, từ vườn Bách Thảo, công viên Lenin, đến vườn hoa con cóc, vườn hoa Pasteur, bãi Phúc Xá, Nghi Tàm...

"Phổ biến như vậy, song trò chơi mang tính thượng võ này lại đang mất dần sự hấp dẫn vốn có, thiếu đi nét văn hoá truyền thống", ông Trần Ðức Tạm tâm tình.

Có thể theo năm tháng, chọi gà ở Hà thành đã đổi thay, nhưng rõ ràng, còn những người yêu mến thú chơi thượng võ như anh Hanh, ông Tạm thì chọi gà sẽ khó mai một, và như lời tâm tình của Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Hà Nội Hoàng Kim Trung: "Chọi gà được người Hà thành gìn giữ, trân trọng từ hàng trăm năm qua. Hiện nay, dù nó đã bị người ta lợi dụng, nhưng chúng tôi sẽ tìm cách quy tụ những người có niềm đam mê, để cùng bảo tồn và phát huy thú chơi này, đặc biệt là nhân dịp Thủ đô làm Đại lễ kỷ niệm tròn 1.000 năm tuổi"./.

Anh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục