Chống chuyển giá: Bịt lại "lỗ hổng" pháp lý và năng lực quản lý

"Nếu chuyển giá dựa trên hoạt động khai thác các khoảng trống, sự mâu thuẫn của luật thì không kết thành tội được và nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tìm cách bịt lại những ‘kẽ hở’ của luật"
Chống chuyển giá: Bịt lại "lỗ hổng" pháp lý và năng lực quản lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Không nên cực đoan mà cần nhìn nhận chuyển giá theo các nguyên nhân và tình huống cụ thể. Nếu chuyển giá dựa trên hoạt động khai thác các khoảng trống và sự mâu thuẫn của luật, cũng như sự cho phép của luật thì đó là một trong những động lực kích thích kinh doanh và không kết thành tội được. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tìm cách bịt lại những ‘kẽ hở’ của luật cũng như chấp nhận nó như một cái giá phải trả cho sự hạn chế về nhận thức, về năng lực trong quản lý.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống chuyển giá: giải pháp linh hoạt, chính sách phù hợp,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 29/10.

Chuyển giá... không bao giờ hết

Theo thông báo mới đây của Tổng cục Thuế, trong 8 tháng đầu năm nay, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng.

Song ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính lại cho biết, trong mấy nghìn doanh nghiệp kiểm tra chỉ xác định được bằng chứng cụ thể của một số doanh nghiệp có hành vi chuyển giá. Bởi việc xác định được đúng người, đúng tội, chuyển giá là vấn đề không đơn giản và nó là câu chuyện của toàn xã hội.

Ông Phụng dẫn chứng, ở Anh, một quốc gia có nền tảng quản lý thuế từ hàng trăm năm, những các cuộc điều tra chống chuyển giá cũng phải kéo dài từ 12-18 tháng, thậm chí có vụ việc kéo dài đến 13 năm.

“Hoạt động chuyển giá có liên quan đến quyền lợi của các quốc gia có doanh nghiệp đặt ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu doanh nghiệp của họ ‘né’ thuế ở Việt Nam thì nước họ có lợi, nhưng ngược lại doanh nghiệp của họ ‘né’ thuế ở nước khác và đóng thuế Việt Nam thì ta lại có lợi. Do đó, ngay bản thân các cơ quan thuế cũng đấu tranh với nhau để có được lợi ích cho đất nước của mình nhiều hơn,” ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, hiện chuyển giá chưa được làm rõ và hiểu đúng vấn đề. Trên thực tế cần phải quan sát, các nhà đầu nước ngoài đến từ những quốc gia có những mức thuế thu nhập bằng 0% (thiên đường về thuế) thì sẽ có xu hướng chuyển giá về nước họ để không phải nộp thuế.

"Nhưng ngược lại nếu doanh nghiệp đến từ các nước có mức thuế cao hơn Việt Nam, thì họ sẽ chuyển giá sang Việt Nam để giảm thuế, đây là câu chuyện cơ bản, nền tảng nhất, nhưng lâu nay ít được đề cập đến.

Trong quá trình kiểm tra chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc này. Những nhà đầu tư đến từ những thiên đường thuế thì rõ ràng phải đặt trọng tâm, song ngược lại chúng ta cũng phải có tiếng nói công bằng với nhà đầu tư đến từ các quốc gia có mức thuế cao,” ông Phụng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, quá trình chống chuyển giá là vấn đề phức tạp và kéo dài mãi mãi, không bao giờ hết.

“Nhiễm” sang doanh nghiệp nội

Có thể khẳng định vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 26 năm qua là khá rõ nét. Các dự án FDI góp phần tăng thu ngân sách và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế đồng thời đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Tuy nhiên những thông tin gần đây về việc hàng loạt doanh nghiệp FDI lỗ giả, lãi thật, chuyển giá, trốn thuế được xem là một dấu hiệu không tốt. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá bắt đầu có dấu hiệu lan sang cả một số doanh nghiệp trong nước. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Phụng, thông thường ở các nước quan tâm đến chuyển giá tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia, song tại Việt Nam hiện tượng này đã có chiều hướng “nhiễm” sang các doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta có thể nhìn thấy, Việt Nam có 63 tỉnh thành khác nhau, trong đó có các khu vực thuộc vùng sâu, xa địa bàn khó khăn. Luật Đầu tư có quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các lĩnh vực đặc biệt khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp đóng trụ sở ở vùng đặc biệt khó khăn, song lại hoạt động kinh doanh trên phạm vi cả nước có thể sẽ lợi dụng chính sách này để chuyển giá,” ông Phụng cảnh báo.

Xét ở góc độ quản lý nhà nước, ông Phong cho rằng, công tác chống chuyển giá có hiệu quả hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề này như thế nào, có quyết tâm xử lý hay không, rồi xây dựng thể chế, cơ chế ra làm sao, bởi luật đưa ra cũng phải đạt đến một trình độ cao thì mới chống được chuyển giá, tiếp đó còn phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành thuế…

Chưa kể những hoạt động phối hợp kinh doanh của doanh nghiệp lớn có chu trình khép kín, họ nắm được công nghệ, những bí quyết kinh doanh độc quyền thì không dễ thẩm tra, thẩm định, vì không có giá cả trên thị trường và ngành thuế sẽ  buộc phải chấp nhận dựa vào những khai báo của họ.

“Song, những hoạt động chuyển giá gian dối, trắng trợn vi phạm với những thông đồng liên kết bằng hình thức kế toán sai lệch, thông tin giả… thì phải kiên quyết phản đối và xử lý nghiêm,” ông Phong nhấn mạnh.

Theo đó, ông Phong đề xuất, Việt Nam cần tăng cường lực lượng điều tra, nếu cần thì xây dựng lực lượng chuyên trách điều tra về chống chuyển giá thậm chí là tình báo thuế, vì ở các nước tiên tiến đều có cơ chế này và họ làm rất hiệu quả. Điều này khiến cho các công ty kinh doanh tại đó rất ngại ngành thuế.

“Nếu Việt Nam có những bộ phận chức năng đầy năng lực như vậy, đảm bảo môi trường kinh doanh sẽ trong sạch, hiệu quả với hiệu ứng rất tốt,” ông Phong tin tưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục