Chống khủng bố cần chiến lược toàn diện ở khu vực và toàn cầu

Chống khủng bố cần một chiến lược toàn diện ở khu vực và toàn cầu

Trong bối cảnh không quốc gia nào có thể đơn độc chống khủng bố, cũng như hoạt động khủng bố của những nhóm như IS cho thấy việc hợp tác giữa các nước là vô cùng cần thiết.
Chống khủng bố cần một chiến lược toàn diện ở khu vực và toàn cầu ảnh 1Cảnh sát đặc nhiệm Indonesia được tăng cường bảo đảm an ninh tại sân bay Ngurah Rai ở Denpasar, đảo Bali. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Fullerton lần thứ 4 vào sáng 25/1, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh của Indonesia, Tướng Luhut Pandjaitan đã nêu bật sự cần thiết về một chiến lược toàn diện trong cuộc chiến chống khủng bố khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Luhut đã đề cập đến những vụ tấn công khủng bố gần đây do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thực hiện, qua đó cho thấy sự cần thiết của một chiến lược toàn diện nhằm đối phó với IS.

Theo ông Luhut, việc chỉ sử dụng biện pháp cứng chống lại IS hầu như không hiệu quả mà cần tới sự kết hợp giữa cách tiếp cận cứng và mềm, cũng như hợp tác chia sẻ thông tin tình báo.

Trao đổi với báo giới sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và Bộ trưởng Luhut đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Singapore và Indonesia phối hợp với các nước trong khu vực đối phó với mối đe dọa từ những tổ chức cực đoan.

Trong bối cảnh không quốc gia nào có thể đơn độc chống khủng bố, cũng như hoạt động khủng bố của những nhóm như IS cho thấy việc hợp tác giữa các nước là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, cả hai bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cắt đứt nguồn tài chính cho IS trong khu vực Đông Nam Á, như từ Australia, Sri Lanka mới được phát hiện gần đây thông qua chia sẻ thông tin tình báo.

Hiện Indonesia đã thiết lập đường đây nóng để chia sẻ thông tin tình báo về chống khủng bố với Singapore, Malaysia, Australia và một số quốc gia khác.

Diễn ra từ ngày 24-26/1, Diễn đàn Fullerton, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức, là sự bổ sung và chuẩn bị cho Diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD) thường niên.

Năm nay, diễn đàn đã tập trung thảo luận về quá trình bình ổn quan hệ giữa các nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương, những mối đe dọa an ninh mới đang nổi lên như an ninh mạng và khủng bố, cũng như kiểm soát xung đột trong khu vực.

Gần 70 đoàn gồm giới học giả, quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 22 quốc gia thường xuyên tham dự SLD đã đến Diễn đàn Fullerton năm nay.

Đoàn Việt Nam do Trung tướng, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, đứng đầu tham dự.

Dự kiến, trong ngày 26/1, đoàn Việt Nam sẽ có bài tham luận tại Diễn đàn Fullerton, cũng như tiến hành trao đổi song phương với một số nước về những vấn đề chung của khu vực, vấn đề Biển Đông, để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất nhằm đảm bảo giữ vững môi trường hòa bình, an ninh trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục