Chống khủng bố: Ứng dụng Telegram đóng cửa một số kênh công cộng

Dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram sẽ đóng cửa các kênh công cộng “có liên quan đến khủng bố,” sau khi Chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm ứng dụng nhắn tin Telegram vì lý do an ninh.
Chống khủng bố: Ứng dụng Telegram đóng cửa một số kênh công cộng ảnh 1(Nguồn: AFP)

Dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram sẽ đóng cửa các kênh công cộng “có liên quan đến khủng bố,” sau khi Chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm ứng dụng nhắn tin Telegram vì lý do an ninh.

Ngày 16/7, trong một tin nhắn trên dịch vụ này, nhà sáng lập Telegram Pavel Durov khẳng định: “Telegram được mã hóa chặt chẽ và hướng tới sự riêng tư của người dùng, tuy nhiên chúng tôi không phải là bạn của những kẻ khủng bố.”

Ông Durov cũng cho rằng đã có sự “hiểu nhầm” với nhà chức trách Indonesia do ông không hề biết đến những yêu cầu dỡ bỏ một số kênh nhắn tin nhất định từ chính quyền Jakarta.

[Indonesia hạn chế tiếp cận ứng dụng gửi tin nhắn Telegram]

Theo ông Durov, từ sau lệnh cấm của Indonesia, Telegram đã tiến hành đóng cửa một số kênh mà chính quyền Jakarta cho rằng có chứa các nội dung liên quan đến khủng bố.

Trước đó, ngày 14/7 vừa qua, nhà chức trách Indonesia, quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, đã chặn mọi truy cập đối với ứng dụng Telegram, sau khi cho rằng có một số diễn đàn “chứa toàn nội dung tuyên truyền cho khủng bố và chủ nghĩa cực đoan” liên quan đến ứng dụng này.

Bộ Truyền thông Indonesia cho biết Telegram đã không nhanh chóng thực hiện các yêu cầu của chính phủ về việc dỡ bỏ những nội dung "cực đoan."

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định các nền tảng truyền thông xã hội khác không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Telegram là một ứng dụng tin nhắn được cho là khá thông dụng với những đối tượng ủng hộ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Việc mã hóa tin nhắn của Telegram hay Whatsapp đảm bảo không một ai, thậm chí cả hãng cung cấp ứng dụng, có thể đọc được nội dung tin nhắn.

Giới chức an ninh nhiều quốc gia lo ngại việc này sẽ tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố bí mật trao đổi thông tin với nhau.

Động thái chặn Telegram diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực chống nguy cơ cực đoan hóa đạo Hồi sau khi thành phố Marawi ở miền Nam Philippines bị phiến quân có quan hệ với tổ chức IS chiếm giữ.

Gần 2 tháng sau cuộc tấn công đầu tiên, các lực lượng Philippines vẫn đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thành phố.

Các chuyên gia lo ngại rằng miền Nam Philippines có thể trở thành một căn cứ mới của IS, bao gồm cả các tay súng Indonesia và Malaysia trở về từ Trung Đông, khi liên quân quốc tế giải phóng các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng tại Syria và Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục