"Chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức 12,4%

"Chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 12,4%

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương lương tối thiểu vùng năm 2016 là tăng bình quân 12,4% sẽ được lựa chọn để trình Chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 10, tăng 250.000-400.000 đồng.
"Chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 12,4% ảnh 1Công bố phương án tăng lương năm 2016 sẽ trình Chính phủ. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Kết thúc phiên làm việc sáng ngày 3/9, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2016 là tăng bình quân 12,4%.

Mức tăng này sẽ được lựa chọn để trình Chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 10. Mức tăng 12,4% tương đương với mức tăng 250.000-400.000 đồng tùy từng vùng.

Theo phương án thống nhất để các thành viên Hội đồng thông qua với ​92,8% số phiếu đồng ý, mức tăng lương tối thiểu vùng trung bình khoảng 12,4%. Trong đó, vùng 1 có mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng (12,9%) so với năm 2015. Vùng 2, đạt 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng (tăng 12,7%). Vùng 3 đạt 2,7 triệu đồng/tháng, tăng 300.000 đồng(12,5%); vùng 4 có mức lương 2,4 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng (11,6%). Với mức tăng này sẽ đáp ứng khoảng 88% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Tại phiên thảo luận sáng nay, phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban đầu đưa ra phương án tăng 16,8%, tức là tăng 350.000-550.000 đồng/tháng nhưng đã giảm xuống 14,3%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ mức 10,7%.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, đại diện người lao động giữ mức tăng ít nhất phải là 14,3% bằng mức tăng năm ngoái, tăng 300.000-450.000 đồng, tăng thêm 50.000 đồng mỗi vùng so với mức lương năm 2015.

Lý giải mức tăng này, ông Mai Đức Chính cho rằng, phiên họp chính phủ ngày 31/8-1/9 đã xem xét tất cả các chỉ số: GDP tăng, xuất khẩu tăng, số doanh nghiệp tăng, số doanh nghiệp tái hoạt động tăng lên, thu hút nước ngoài nhiều hơn... nên phương án tăng lương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị không có gì quá cao, chỉ tăng từ 300.000-450.000 đồng, hơn 50.000 đồng so với năm 2015.

Đối với phương án được Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua, ông Mai Đức Chính cho biết, với phương án tăng lương không cao được như mong muốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng ở mức tăng từ 250.000-400.000 đồng tương tự mức tăng năm 2015, người lao cũng vẫn có thể chấp nhận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng mức tăng 12,4% đối với đại diện giới chủ là chưa thỏa mãn vì vượt quá khả năng chi trả. Với mức tăng lương này đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu để tăng cường hội nhập, một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu sản xuất để nâng cao năng lực quản trị để có năng suất lao động cao hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chúng tôi sẽ tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội để giãn lộ trình trong thời gian tới,” ông Hoàng Quang Phòng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục