Chủ tịch Nghệ An: Sẽ nhận trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Chủ tịch Nghệ An: Sẽ nhận trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ nhận trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân tỉnh nếu xảy ra vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Chủ tịch Nghệ An: Sẽ nhận trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm ảnh 1(Ảnh minh họa. Dương Ngọc/TTXVN)

“Mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp nào thì lãnh đạo cấp đó phải chịu trách nhiệm. Tỉnh Nghệ An sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng và đồng lõa với sai phạm an toàn thực phẩm… Tôi sẽ nhận trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân tỉnh nếu xảy ra vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm," là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tại cuộc họp diễn ra ngày 3/6.

Cuộc họp được tổ chức nhằm kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm và triển khai Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Đường khẳng định, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết, cần tập trung chỉ đạo, điều hành. Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tỉnh ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trước mắt, tỉnh chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn nhằm kiểm soát và hướng dẫn người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn.

Với phương châm quản lý tốt các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng sản phẩm, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương, ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất nông sản an toàn; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến áp dụng các chương trình quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiên tiến…

Nghệ An cũng tăng cường công tác xây dựng, giới thiệu và công bố các điểm, quầy hàng cung cấp nông sản, thủy sản sạch được kiểm soát theo chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu vực trọng điểm, đông dân cư trên địa bàn. Nghệ An sẽ thực hiện nghiêm túc công tác hậu kiểm đối với việc chấp hành các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ sở sản xuất, chế biến, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm.

Thời gian tới, Công an tỉnh Nghệ An sẽ khởi tố một số vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người để răn đe các trường hợp khác.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, các đoàn liên ngành đã thanh tra, kiểm tra trên 7.916 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, phát hiện 1.620 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Các đoàn công tác đã xử lý các cơ sở vi phạm, trong đó có ba cơ sở bị đóng cửa, 509 cơ sở bị cảnh cáo, 83 cơ sở bị phạt tiền, 369 cơ sở bị hủy sản phẩm. Hiện tượng vi phạm kinh doanh thực phẩm hết hạn, thực phẩm kém chất lượng, nhãn sản phẩm không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Nguy cơ gây ngộ độc mãn tính do sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất, khó kiểm soát trên địa bàn. Một số cơ sở sản xuất thực phẩm chưa chú trọng công tác kiểm nghiệm định kỳ theo quy định.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục