Chủ tịch nước: Bảo đảm xét xử chính xác, đúng người đúng tội

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao.
Chủ tịch nước: Bảo đảm xét xử chính xác, đúng người đúng tội ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đồng chí lãnh đạo của Tòa án Nhân dân Tối cao. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong 9 tháng qua (từ tháng 10/2015​-6/2016), các tòa án đã giải quyết gần 281 nghìn vụ án các loại (đạt 74,3% tổng số vụ đã thụ lý); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,31% (giảm 0,13% so với cùng kỳ năm 2015). Công tác giải quyết, xét xử các loại án đã hạn chế ở mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của tòa án. Việc tranh tụng tại các phiên tòa được đẩy mạnh, số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đều cao hơn cùng kỳ năm trước... Các tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với trên 70 nghìn người bị kết án (đạt 99,8%); các tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý, giải quyết 5.649 trong số gần 6 nghìn hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. 

Các tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Báo cáo cũng nhìn nhận, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ chưa cao (24%) là do số lượng đơn phát sinh nhiều. Bên cạnh đó, theo quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các luật tố tụng, thẩm quyền giải quyết các loại đơn này tập trung chủ yếu ở 3 Tòa án nhân dân cấp cao. Đây là những đơn vị mới được thành lập, cần có một quá trình để sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ.

Về việc thực hiện bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các tòa án đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, giải quyết dứt điểm 1 vụ là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng mới được phát hiện bị oan và dư luận rất quan tâm, như vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, hay vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh. Các tòa án cũng đã giải quyết 9/23 vụ án dân sự mà người bị oan sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường, số còn lại đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Cùng với trọng tâm nhiệm vụ trong thời gian tới, báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, cơ sở vật chất và chế độ chính sách đối với người làm việc trong ngành tòa án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà tòa án nhân dân các cấp đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều thời cơ, thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đan xen. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tòa án các cấp trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là nhiệm vụ rất nặng nề. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại... Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, đương sự.”

Đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, tòa án nhân dân các cấp cần tập trung đổi mới công tác, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo đảm xét xử chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, chú trọng công tác xét xử lưu động nhằm nâng cao nhận thức, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, qua đó răn đe, phòng ngừa tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của chế độ ta, là biểu tượng của nền công lý nước nhà, là Tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Do vậy, Tòa án nhân dân các cấp cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng. Bảo đảm xét xử nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chú trọng việc thu hồi tài sản bị thất thoát và bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt."

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, tòa án nhân dân các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xét xử của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những sai sót nghiệp vụ; tập trung giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, khắc phục tình trạng tồn đọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu ngành tòa án tiếp tục rà soát, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng trong việc xây dựng các dự án luật, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật được giao chủ trì cũng như phối hợp. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, tham gia hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các dự án luật liên quan.

Về tổ chức bộ máy, Chủ tịch nước đề nghị ngành cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân các cấp theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, bảo đảm đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; sớm hoàn thiện Đề án “Vị trí, việc làm và biên chế của Tòa án nhân dân các cấp” để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo. Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành tòa án cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh trên cả ba phương diện: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử và kiến thức xã hội, cùng tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo, xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án nhân dân các cấp, ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; mong muốn tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục