Chủ tịch nước: Nghiên cứu phản bác "phi chính trị" lực lượng vũ trang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu phản bác có căn cứ khoa học những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.
Chủ tịch nước: Nghiên cứu phản bác "phi chính trị" lực lượng vũ trang ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Quán triệt, thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn hiện nay.”

Cùng dự Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, các cơ quan nghiên cứu khoa học cùng gần 100 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, quốc phòng và an ninh. Hội thảo do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích, luận giải, làm sáng tỏ thêm các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng; khẳng định những thành tựu, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu tổng quát và mục tiêu trước mắt, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới.

Trên cơ sở tổng kết cả chặng đường đổi mới 30 năm qua và nhiệm kỳ 2011-2015, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế nhiệm kỳ tới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng có nhiều điểm mới, trong đó có những vấn đề mang tính đột phá trong phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại...

Về mục tiêu quốc phòng, an ninh, Nghị quyết Đại hội XII xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.” 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề “Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân nhân trong giai đoạn hiện nay,” với sự tham gia của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các tướng lĩnh trong lực lượng Công an, Quân đội và đặc biệt là sự tham gia đầy tâm huyết với tinh thân trách nhiệm cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu đất nước.

Chủ tịch nước đánh giá, Hội thảo là một hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết rất khoa học, sáng tạo, thiết thực, mang lại hiệu quả cao.

Phân tích tình hình khu vực, thế giới tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhưng cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng; tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam.

Các thế lực thù địch, phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình,” bạo loạn, lật đổ với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới hết sức thâm độc và xảo quyệt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam...Vì vậy, để quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII về quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, xác định trúng những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để có các giải pháp cụ thể, khoa học nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm sáng tỏ hơn nữa nhận thức lý luận về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phản bác có căn cứ khoa học những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Hội thảo cần phân tích, làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ được xác định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về quốc phòng, an ninh; làm rõ những vấn đề mới trong nhận thức lý luận và định hướng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung phân tích các cặp quan hệ chiến lược kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Chủ tịch nước cũng lưu ý tới công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; công tác tham mưu chiến lược, đề xuất chủ trương, kế sách bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi; vấn đề triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; ngăn ngừa, giải quyết có hiệu quả những mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị trên cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Hội thảo cần đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Các ý kiến tham luận cần tập trung vào những giải pháp thiết thực, cụ thể, nhất là những giải pháp chiến lược và các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, góp phần hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng và bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục