Chủ tịch Quốc hội Lào gặp mặt lưu học sinh Lào tại Sơn La

Ngày 5/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou​ đã có buổi gặp mặt các lưu học sinh Lào đang theo học tại tỉnh Sơn La.
Chủ tịch Quốc hội Lào gặp mặt lưu học sinh Lào tại Sơn La ảnh 1Quang cảnh buổi gặp mặt. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 5/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou​ đã có buổi gặp mặt các lưu học sinh Lào đang theo học tại tỉnh Sơn La.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam và dự các chương trình chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam​-Lào, 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam​-Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou dẫn đầu.

Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh đã thông tin về tình hình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lưu học sinh giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trên cơ sở kết quả ký kết hợp tác, tỉnh Sơn La đã khảo sát nhu cầu đào tạo, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của các tỉnh phía Bắc Lào.

Để hỗ trợ, góp phần ổn định cuộc sống sinh hoạt, học tập của lưu học sinh, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Sơn La đã ban hành 4 nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đào tạo đối với học viên Lào.

Trong công tác đào tạo lưu học sinh, đến nay, Sơn La đã tiếp nhận và đào tạo cho hơn 1.700 người, theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Hiện nay, đã công nhận tốt nghiệp cho trên 650 lưu học sinh; còn gần 1.100 lưu học sinh đang theo học.

Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Sơn La đã mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn kỹ thuật cho gần 150 cán bộ của các tỉnh phía Bắc Lào. Cùng với đó, Sơn La đã cử 49 cán bộ, học sinh sang học tập tại Lào.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng lưu học sinh Lào ngày càng hiệu quả, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu của các tỉnh phía bạn để hợp tác đào tạo theo thực tế và khả năng mỗi bên.

Đồng thời, tỉnh Sơn La đề nghị các bộ, ngành Trung ương Việt Nam, Lào tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng chỉ tiêu đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo lưu học sinh.

Chủ tịch Quốc hội Lào gặp mặt lưu học sinh Lào tại Sơn La ảnh 2 Các Lưu học sinh, Nghiên cứu sinh Lào tại tỉnh Sơn La trong buổi gặp mặt. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

[Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou thăm và làm việc tại Sơn La]

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam, nhất là sự hỗ trợ của tỉnh Sơn La, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự giúp đỡ “chí tình, chí nghĩa” trong hoạt động đào tạo lưu học sinh thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Lào chia sẻ, Đảng, Nhà nước Lào rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, vì vậy đã có các chính sách, chiến lược và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước Lào luôn coi thế hệ trẻ là nguồn lực quan trọng, quyết định vận mệnh đất nước. Vì vậy, chất lượng học tập của các em hiện nay là tiền đề để xây dựng đất nước sau này.

Chủ tịch Quốc hội Lào cho biết, hiện nay có khoảng 12.000 học sinh, sinh viên Lào đang theo học tại Việt Nam. Trong đó, nhiều lưu học sinh khi trở về nước đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng như trong các cơ quan của Chính phủ. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Lào căn dặn lưu học sinh đang theo học tại Việt Nam, cần tiếp bước cha anh để xây dựng đất nước.

Các lưu học sinh phải tích cực học tập để đạt được kết quả cao nhất, coi đây vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.

Đồng thời, các em phải luôn nâng cao nhận thức về sự phát triển của khoa học kỹ thuật trên thế giới, từ đó xây dựng cho mình kiến thức vững chắc, làm hành trang để đưa đất nước phát triển.

Các lưu học sinh chính là thế hệ tương lai của đất nước, là lực lượng chính để đưa Lào thoát nghèo vào năm 2020 và trở thành nước phát triển vào năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội Lào nhấn mạnh, sự giúp đỡ của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng là “không giới hạn, không biên giới.”

Trong thời gian tới, đề nghị tỉnh Sơn La chú trọng hơn nữa chất lượng lưu học sinh, việc cấp học bổng cần tổ chức thi để tuyển chọn nhằm đảm bảo công bằng; công tác đào tạo phải đáp ứng được sự phát triển hiện nay, gắn với đặc thù, thế mạnh của từng địa phương ở Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục