Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Chúng tôi sẽ khảo sát việc xây dựng cáp treo

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh đang chủ trương khảo sát để xây dựng cáp treo. Chờ quy hoạch Phong Nha-Kẻ Bàng được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh sẽ công bố việc có làm cáp treo hay không.
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Chúng tôi sẽ khảo sát việc xây dựng cáp treo ảnh 1Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Tỉnh Quảng Bình đang có chủ trương khảo sát để xây dựng cáp treo tại một số danh thắng và sẽ chính thức công bố phương án sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt quy hoạch Phong Nha-Kẻ Bàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết như vậy trong khuôn khổ buổi họp báo giới thiệu chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội,” vào ngày hôm qua (16/3), tại Hà Nội.

Bên lề cuộc họp, ông Hoài cũng có những trao đổi cụ thể với báo giới xung quanh câu chuyện xây dựng cáp treo ở Phong Nha-Kẻ Bàng.

- Trong thời gian tới, “Vương quốc hang động” Quảng Bình sẽ có chiến lược phát triển dài hơi thế nào hay chỉ rầm rộ mang tính thời điểm như ăn theo bộ phim “bom tấn” của Hollywood “Kong: Skull Island” vừa qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hoài: Chúng tôi xác định rằng, nói đến du lịch Quảng Bình là nói đến du lịch hang động. Và đây là tư tưởng xuyên suốt về lâu dài. Bởi Quảng Bình có hơn 300 hang động lớn, nhỏ. Có một số hang động chúng tôi đã đưa vào khai thác đại trà, có nghĩa rằng mọi người dân đều vào được rất dễ dàng, như động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tú Làn… Ngoài ra, có rất nhiều hang động khác.

Còn phim “Kong: Skull Island” chỉ là một hiện tượng nổi lên trong thời gian qua. Về lâu dài, chúng tôi khẳng định hang động vẫn là đặc trưng, đặc sắc nhất, không chỉ về số lượng mà hang động Quảng Bình còn có nhiều tiêu chí đứng đầu thế giới, như động Phong Nha có lòng sông 32km dài nhất thế giới, động Thiên Đường là động có hạch nhũ đẹp nhất thế giới. Đấy là những tiêu chí có giá trị vĩnh cửu.

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Chúng tôi sẽ khảo sát việc xây dựng cáp treo ảnh 2Ánh nắng ở Vườn Edam trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Ryan Deboodt)

- Du lịch Quảng Bình đang được xã hội hóa, nhưng vấn đề đặt ra là các nhà quản lý sẽ khuyến khích thế nào, kiểm soát ra sao để vừa bảo vệ các di sản vừa phát triển được cơ sở vật chất?

Ông Nguyễn Hữu Hoài: Vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch, chúng tôi đã bắt đầu chú trọng từ năm 2016, khi được cảnh báo từ sự cố ô nhiễm môi trường biển Formosa gây ra. Do vậy trong quá trình kêu gọi đầu tư các dự án du lịch nói riêng cũng như các dự án nói chung, trước hết tỉnh quy hoạch chung vùng nào được phép đầu tư, vùng nào không được phép. Trên cơ sở đó tỉnh tổ chức kêu gọi chứ không phải nhà đầu tư muốn đầu tư vào đâu cũng được.

Quan điểm chung của tỉnh là trên tinh thần bảo tồn và phát huy, có nghĩa rằng sẽ đảm bảo hai yêu cầu, vừa bảo tồn được thiên nhiên, bảo vệ được môi trường nhưng đồng thời cũng phát huy việc đưa các vùng có tiềm năng về du lịch phát triển, góp phần xóa nghèo cũng như góp phần vào nguồn thu của tỉnh, tạo việc làm cho người dân.

Ngay từ năm 2014, chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chính vì vậy khi có các dự án đến chúng tôi làm rất kỹ vấn đề hiệu quả, quy mô dự án cũng như nội dung dự án và có sự quản lý rất chặt chẽ để đảm bảo dự án đó vừa thuận lợi trong vấn đề triển khai cũng như kiểm soát an toàn môi trường.

Thực ra, cách đây hai năm, chúng tôi rất nóng ruột, muốn có biện pháp phát triển nhanh đối với kinh tế, xã hội Quảng Bình. Nhưng sau sự cố Formosa gây ra đã để lại bài học xương máu rằng trong phát triển thì cũng không nhất thiết phải phát triển “nóng,” mà với xu thế hội nhập của cả nước cũng như thế giới thì chắc chắn du lịch Quảng Bình sẽ phát triển.

Phát triển bây giờ không phải vội, mà chỉ cần tập trung vào một số vùng, một số lĩnh vực trong du lịch, còn lại phải bảo vệ môi trường.

Vấn đề là để khắc phục hai mâu thuẫn này đòi hỏi cần có sự lựa chọn các dự án đầu tư cũng như có bước đi thích hợp với từng vùng thích hợp, lúc đó mới bảo vệ được môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Hoài chia sẻ về chiến lược phát triển "Vương quốc hang động" Quảng Bình.

- Thế còn một số dự án muốn xây dựng cáp treo thì quan điểm của tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hoài: Chúng tôi cho rằng việc xây dựng cáp treo cũng là bình thường. Trong phát triển du lịch thì phải đa dạng, cũng không nhất thiết du lịch phải cần cáp treo, nhưng cũng có thể với những nơi thuận lợi chúng tôi sẽ làm cáp treo.

Cáp treo ở đây không được gây ô nhiễm môi trường, cũng không phải không làm cáp treo là tốt. Vấn đề ở chỗ vừa tăng được lượng khách để giúp người dân địa phương có việc làm, có thu nhập, nhưng đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường cần được quan tâm.

Không cấm xây dựng cáp treo mà vấn đề là xây dựng thế nào để bảo vệ môi trường, mấu chốt ở đó. Nếu xây dựng cáp treo, chúng tôi sẽ có những tuyến đi cụ thể, đánh giá tác động môi trường cụ thể và lựa chọn phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn môi trường đồng thời đảm bảo phục vụ du khách được tốt cũng như giúp người dân có việc làm, có thu nhập.

- Vậy xin ông cho biết, tỉnh Quảng Bình đã có những tính toán cụ thể hơn sẽ xây dựng cáp treo ở địa điểm nào chưa?

Ông Nguyễn Hữu Hoài: Hiện nay, về phía tỉnh, chúng tôi đang chủ trương khảo sát để xây dựng cáp treo. Trong quy hoạch Phong Nha-Kẻ Bàng, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện và Bộ đang tiến hành xây dựng quy hoạch này.

Sau khi Thủ tướng duyệt quy hoạch chúng tôi sẽ công bố việc có làm cáp treo hay không, làm chỗ nào, tuyến ra sao, dài mấy ​killômét, đi từ điểm nào đến điểm nào một cách cụ thể./.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình: Chúng tôi sẽ khảo sát việc xây dựng cáp treo ảnh 3Cảnh tượng hùng vĩ của hang. (Ảnh: Ryan Deboodt)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục