Chủ tịch và giám đốc một công ty đi tù vì tội lừa đảo

Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ ở Ninh Thuận phải đi tù vì tội lừa đảo.
Sau 2 ngày xét xử, sáng 23/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ 15 năm tù; Nguyễn Thiệt, Giám đốc công ty 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Ngoài ra, Võ Thành Danh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận 6 năm tù; Võ Thành Xuân, nguyên Trưởng phòng tín dụng 2 năm tù, cho hưởng án treo; Lê Quang Vũ, nguyên cán bộ tín dụng 2 năm tù, cho hưởng án treo về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng."

Hội đồng xét xử còn buộc Nguyễn Hải Trung bồi thường tiền nợ gốc hơn 27 tỷ đồng (do trước khi bắt tạm giam, Nguyễn Hải Trung đã trả một khoản nợ gốc hơn 42 tỷ đồng) và gần 25 tỷ đồng tiền lãi cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận; đồng thời tịch thu số tiền mà các đơn vị, cá nhân liên quan còn nợ để trả cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận.

Theo cáo trạng, Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ và Nguyễn Thiệt, Giám đốc công ty đã dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 70,6 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận.

Võ Thành Danh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận; Võ Thành Xuân, nguyên Trưởng phòng tín dụng; Lê Quang Vũ, nguyên cán bộ tín dụng đã vi phạm các quy định về cho vay, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hơn 70,6 tỷ đồng tiền gốc và 24,82 tỷ đồng tiền lãi.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 11/3/2009 đến 30/10/2009, Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung bộ đã lập hồ sơ vay tín dụng xuất khẩu (được hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ) tại 3 ngân hàng trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền gần 226 tỷ đồng.

Tính đến ngày 8/5/2011, công ty này đã trả tiền gốc hơn 155 tỷ đồng và tiền lãi gần 4 tỷ đồng, nợ gốc còn lại chưa trả hơn 70,6 tỷ đồng, trong đó, 19 hợp đồng tín dụng xuất khẩu được công ty này vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận với số tiền hơn 149 tỷ đồng. Đến ngày 8/5/2011, công ty này mới thanh toán tiền gốc cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận số tiền hơn 78 tỷ đồng, còn nợ gốc hơn 70 tỷ đồng...

Để có cơ sở vay và được các ngân hàng chấp nhận giải ngân, công ty này đã cung cấp cho các ngân hàng 21 hợp đồng xuất khẩu bán sắn lát, càphê với các đối tác nước ngoài để hợp thức hóa hàng hóa xuất khẩu (đầu ra).

Mặt khác, công ty còn cung cấp cho ngân hàng 8 hợp đồng mua bán hàng hóa và một số hóa đơn mua bán giữa công ty với một số công ty khác trong nước, nhằm hợp thức hóa hàng hóa (đầu ra). Khi đủ thủ tục, công ty này đã làm hồ sơ tín dụng xin vay và được ngân hàng chấp thuận ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu, đồng thời tiến hành giải ngân. Số tiền cho vay được ngân hàng giải ngân vào tài khoản của bên bán hàng cho công ty này. Khi nhận tiền, bên bán hàng chuyển khoản phần lớn số tiền có được cho Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là ông Trung sử dụng vào mục đích cá nhân, số còn lại các công ty chiếm dụng, hưởng lợi.

Qua điều tra xác minh, toàn bộ hồ sơ tín dụng mà Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ cung cấp cho các ngân hàng để ngân hàng ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay tiền và giải ngân đều là hồ sơ khống, hợp đồng ảo không có thực, không có giá trị pháp lý.

Những hợp đồng mua bán hàng hóa đầu vào (hàng chục nghìn tấn sắn lát và hơn 100 tấn mủ cao su) trị giá hơn 240 tỷ đồng với 2 công ty (Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tư vấn và thương mại An Thông ở Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Hà Nguyên ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) đều là hợp đồng khống, hóa đơn giá trị gia tăng được xuất khống và không có hàng hóa.

Để thuận lợi trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay, Nguyễn Hải Trung đã cho Võ Thành Danh vay 9 tỷ đồng và 500.000 USD (gần 9,5 tỷ đồng).

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Hải Trung có sự giúp sức của Nguyễn Thiệt, là Giám đốc công ty. Bởi trong quá trình hoạt động, Nguyễn Thiệt đã ký toàn bộ các hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu với ngân hàng, các hóa đơn tài chính và các công văn giấy tờ liên quan đến vay tiền, chi tiền và chuyển tiền...

Liên quan đến hành vi của Trung còn có ông Võ Thành Danh, nguyên Giám đốc; Võ Thành Xuân, nguyên Trưởng phòng tín dụng và Lê Quang Vũ, nguyên cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận, đã vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng như cho vay không có đảm bảo, người vay không hội đủ các điều kiện vay...

Khi các hợp đồng cho vay tín dụng ban đầu đã quá hạn, có dấu hiệu của việc sử dụng vốn vay sai quy định, không chứng minh, không hoàn thiện được hồ sơ vay tín dụng xuất khẩu, cán bộ của Chi nhánh ngân hàng vẫn tiếp tục cho công ty này vay và giải ngân ở các hợp đồng tiếp theo, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận.

Qua quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu của ông Danh 400 triệu đồng và hiện ông Danh còn nợ Trung số tiền 7,5 tỷ đồng (trước đó ông Danh đã trả cho Trung 400.000 USD và 3 tỷ đồng). Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã thu hồi hơn 3,5 tỷ đồng, tính cả tiền thu hồi được từ ông Danh và các công ty khác có liên quan ký hợp đồng mua bán với Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ, để giao trả cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Ninh Thuận.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất của ông Danh, một cuộn băng do Lê Quang Vũ giao nộp để làm bằng chứng./.

Đức Ánh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục