“Chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa Đông Sơn”

Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, những di vật của văn hóa Đông Sơn là tư liệu sống động để dựng lại bức tranh về đời sống của người Việt cổ cách đây hơn hai thiên niên kỷ.
“Chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa Đông Sơn” ảnh 1Công chúng tham quan bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Từ trong lòng đất, những di vật của văn hóa Đông Sơn - nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như nền văn minh Đại Việt sau này đã được tìm thấy, nghiên cứu và giới thiệu tới công chúng. Đó là những tư liệu sống động để dựng lại bức tranh về đời sống của người Việt cổ cách đây hơn hai thiên niên kỷ.

Năm 2014 khép lại hành trình 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2014); đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới với những yêu cầu mới trong việc tìm hiểu về nền văn hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học.

Dấu chân người Việt cổ

- Từ những phát hiện đầu tiên vào năm 1924 đến nay, trải qua 9 thập kỷ, việc nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đã thu được những kết quả gì đáng kể, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm: Văn hóa Đông Sơn tồn tại trong thời gian từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ 1-2 sau Công nguyên.

Cho đến thời điểm hiện nay, ở nước ta, hơn 200 di tích văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, chủ yếu phân bố tại lưu vực ba dòng sông lớn: sông Hồng (đồng bằng Bắc Bộ), sông Mã (Thanh Hóa) và sông Cả (Nghệ An). Bên cạnh đó, hàng nghìn di vật văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên…

Đây là những bằng chứng sinh động, góp phần chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn cũng như sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp của nó từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (văn hóa Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun).

Bên cạnh đó, những kết quả nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy: cư dân Đông Sơn đã có sự chuyển cư từ các vùng trung du, đồng bằng cao xuống cư trú, sinh sống tại các vùng đồng bằng thấp và đồng bằng ven biển.

Trong quá trình mở rộng, chinh phục và từng bước làm chủ những vùng đất mới, người Việt cổ đã hình thành nên các trung tâm văn hóa-kinh tế lớn như: trung tâm Cổ Loa (Hà Nội), trung tâm Việt Khê (Hải Phòng, Quảng Ninh), trung tâm Đông Nam đồng bằng sông Hồng…

- Vậy, thành tựu nổi bật nhất của văn hóa Đông Sơn là gì, thưa nhà nghiên cứu?

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm: Một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn là kỹ thuật luyện kim, đúc đồng đã đạt đến trình độ cao. Cho đến nay, khảo cổ học đã phát hiện được gần 50 di tích có liên quan đến việc chế luyện và đúc kim loại. 

Khoảng 90% tổng số di vật của văn hóa Đông Sơn được tìm thấy là đồ đồng. Những hiện vật này thuộc nhiều loại hình khác nhau như: vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, công cụ lao động…

Một minh chứng sắc nét, điển hình bậc nhất để khẳng định trình độ luyện kim, đúc đồng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn là việc chế tạo ra những chiếc trống đồng và thạp đồng có kích thước lớn, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí độc đáo, thể hiện đặc trưng riêng (hoa văn hình người, hoa văn hình thuyền…).

Trong đó, một số loại trống đồng, thạp đồng đẹp nhất, tiêu biểu nhất có thể kể đến như: trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Cổ Loa, thạp đồng Đào Thịnh…

“Chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa Đông Sơn” ảnh 2Thạp đồng Đào Thịnh - một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo thời gian, dù có những thay đổi nhất định nhưng trống đồng Đông Sơn vẫn giữ được kiểu dáng và các loại hoa văn cơ bản. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể bắt gặp ở các họa tiết, hoa văn trang trí trên váy của đồng bào Mường…

Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật luyện kim đã đưa tới sự nở rộ về loại hình công cụ lao động, vũ khí... Một kho vũ khí chứa hơn 90 kg mũi tên đồng (ước tính tương đương khoảng một vạn chiếc) đã được tìm thấy tại khu vực Cổ Loa (Hà Nội) vào tháng 6/1959.

Cư dân Đông Sơn cũng đã chế tạo ra một bộ công cụ lao động phong phú với chức năng rõ ràng: các loại rìu lưỡi xéo, rìu gót vuông (để khai hoang), các loại cuốc, lưỡi cày (để đắp đập, mở thửa)…

Khoảng trống cần lấp đầy

- Từ đó, ông đánh giá thế nào về vai trò của nền văn hóa này trong diễn trình lịch sử chung của dân tộc?

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm: Có thể nói, văn hóa Đông Sơn là một trong những thành tố quan trọng của việc hình thành nên nhà nước Văn Lang-Âu Lạc trong buổi sơ khai dựng nước của người Việt.

Nói khác đi, kết quả nghiên cứu khảo cổ học (về quá trình tụ cư, hình thành nên các trung tâm kinh tế-văn hóa trên tất cả các địa hình của đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả) kết hợp với sử liệu thành văn giúp chúng ta tìm hiểu về các bộ lạc, bộ tộc của người Việt cổ - cơ sở hình thành nên nhà nước sơ khai thời Hùng Vương.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, văn hóa Đông Sơn đã có sự giao lưu, tiếp xúc và trao đổi với những nền văn hóa đồng đại lân cận như văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) và các vùng văn hóa của khu vực Nam Trung Quốc và Đông Nam Á… Trong mối quan hệ này, văn hóa Đông Sơn vừa tiếp nhận vừa phát tán những ảnh hưởng trực tiếp của mình tới các nền văn hóa khác.

Sự kết hợp các yếu tố nội sinh và ngoại sinh này đã tạo nên bước chuyển biến lớn về mọi mặt đời sống của cư dân Đông Sơn. Đặc biệt, việc chế tạo ra các loại  trống đồng đã thể hiện sự sáng tạo của chủ nhân văn hóa Đông Sơn.

Theo thời gian, dù có những thay đổi nhất định nhưng trống đồng Đông Sơn vẫn giữ được kiểu dáng và các loại hoa văn cơ bản, thể hiện bản sắc riêng. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể bắt gặp ở các họa tiết, hoa văn trang trí trên váy của đồng bào Mường…

“Chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa Đông Sơn” ảnh 3Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Từ đó, chúng ta có thể hình dung văn hóa Đông Sơn chính là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như nền văn minh Đại Việt sau này.

- Với vai trò quan trọng như vậy, trong thời gian tới, việc nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn còn những “khoảng trống” nào cần lấp đầy, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Liêm: Liên quan tới văn hóa Đông Sơn vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới như: thời điểm ra đời và  kiểu/dạng/mô hình nhà nước sớm thời Đông Sơn; sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên (từ việc phát hiện được những cánh đồng trống ở Kroong Năng, Kroong Pác - Đắk Lắk)…

Bên cạnh đó, nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn đang là nạn nhân của tỉnh trạng buôn bán trái phép cổ vật. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiếp nhận hơn 20 chiếc trống đồng Đông Sơn do ngành hải quan thu giữ được từ những vụ buôn bán trái phép.

Mặc dù văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng, để lại một khối lượng di vật lớn nhưng hiện nay, chúng ta chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa này.

Việc thành lập bảo tàng văn hóa Đông Sơn sẽ giúp cho việc bảo quản hiện vật được tốt hơn. Sau hàng nghìn năm nằm sâu dưới lòng đất, tính nguyên vẹn của các hiện vật (họa tiết hoa văn trang trí, tính cấu kết của các thành phần hóa lý…) sẽ bị ảnh hưởng lớn khi phát lộ.

“Chưa có bảo tàng xứng tầm cho nền văn hóa Đông Sơn” ảnh 4Những họa tiết tinh xảo trên mặt trống đồng Đăk Lăk. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Mặt khác, khi có bảo tàng văn hóa Đông Sơn, toàn bộ thành tựu của nền văn hóa này sẽ được hệ thống lại một cách đầy đủ. Từ đó, nó sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc chứng minh nguồn gốc bản địa cũng như việc tôn vinh, quảng bá những giá trị của nền văn hóa này.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục