Chưa có giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Libya

Hai phe phái đối lập ở Libya đã không đưa ra được một tuyên bố chung về một thỏa thuận chính trị nhằm khôi phục sự ổn định và thống nhất đất nước sau 6 năm bất ổn triền miên.
Chưa có giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: foreignaffairs.com)

Kết thúc cuộc gặp tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/5, hai phe phái đối lập ở Libya đã không đưa ra được một tuyên bố chung về một thỏa thuận chính trị nhằm khôi phục sự ổn định và thống nhất đất nước sau 6 năm bất ổn triền miên.

Tuy nhiên, hai bên đã nhất trí thúc đẩy nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại khu vực miền Nam của nước này cũng như đấu tranh chống khủng bố.

Theo đánh giá của giới ngoại giao, đây là tín hiệu tích cực hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề ở Libya.

[Cuộc gặp giữa hai phe phái đối lập ở Libya đạt "đột phá lớn"]

Trong 2 tuyên bố riêng rẽ, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận Fayez al-Sarraj và Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (ANL) ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya đã thống nhất quan điểm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của Libya.

Hai bên nhất trí chấm dứt tình trạng bạo lực tại miền Nam Libya - khu vực xảy ra xung đột giữa quân đội ANL và lực lượng ủng hộ GNA hồi tháng Tư.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một lực lượng quân đội chung có vai trò toàn diện trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trước đó, Bộ Ngoại giao UAE ngày 3/5 đánh giá cuộc gặp giữa đại diện hai phe phái đối lập chính tại Libya ở Abu Dhabi đã "đạt được đột phá lớn."

Đài truyền hình Libya cho biết đại diện hai phe phái đối lập đã nhất trí tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong năm tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cách thức tiến hành bầu cử tại quốc gia bị chia rẽ này.

Bộ Ngoại giao UAE mô tả cuộc gặp "như một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị ở Libya."

UAE tin rằng "bất kỳ giải pháp nào mang lại sự ổn định cho Libya cần đến từ người dân Libya cũng như nhận được sự ủng hộ của họ và phải dựa trên đối thoại."

Đây là lần gặp thứ hai giữa đại diện của GNA và ANL sau cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra Cairo (Ai Cập) hồi tháng 1/2016 sau khi ông Sarraj được chỉ định làm Thủ tướng GNA.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011.

Hai chính quyền đối địch đã tồn tại song song ở Libya, một tại thành phố Tripoli và một tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Tháng 12/2015, dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, chính phủ đoàn kết dân tộc do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành và bắt đầu hoạt động tại Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước, trong bối cảnh Quốc hội tại Tobruk cho tới nay vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục