Chuẩn bị cho lao động Việt Nam tham gia thị trường ASEAN

Việt Nam đang lập kế hoạch để chủ động tiếp cận thị trường lao động “mở” tại ASEAN khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào cuối năm nay.
Chuẩn bị cho lao động Việt Nam tham gia thị trường ASEAN ảnh 1(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào cuối năm 2015. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, đến năm 2025 sẽ có thêm 14 triệu việc làm cho khu vực ASEAN. Hiện các nước, trong đó có Việt Nam, đang chuẩn bị những bước đi thận trọng, lập kế hoạch để tiếp cận thị trường lao động “mở” tại khu vực được đánh giá là có mức tăng trưởng nhanh ở châu Á này.


Tạo thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ

Việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, bởi ASEAN sẽ đảm bảo rằng lực lượng lao động của mình sẽ được chuẩn bị tốt, được hưởng lợi từ quá trình hội nhập, thông qua việc đầu tư nhiều hơn các nguồn lực cho giáo dục cơ bản và nâng cao, đào tạo nghề, phát triển khoa học-công nghệ, tạo công ăn việc làm và bảo vệ xã hội.

Sự phát triển và tăng cường các nguồn nhân lực là một chiến lược then chốt cho tầng lớp lao động, xóa nghèo đói và những chênh lệch về kinh tế-xã hội, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế công bằng, hợp lý. Trong Cộng đồng ASEAN, việc công nhận lẫn nhau, chuyển đổi về kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực và một số nghề sẽ tạo điều kiện cho công dân các nước ASEAN tìm được việc làm ngoài phạm vi nước mình với mức lương hợp lý, hấp dẫn hơn.

ASEAN hiện đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức đối với 8 nghề được “tự do” chuyển dịch: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 tháng 10/2010 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Các tuyên bố về nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động tại các nước thành viên ASEAN có đề cập: "Xây dựng khung kỹ năng nghề quốc gia trong các nước thành viên ASEAN thông qua chia sẻ kinh nghiệm và những điển hình tốt được coi là một chiến lược quan trọng nhằm tăng cường phát triển, quản lý nguồn nhân lực, giúp các nước thành viên nâng cao trình độ tiêu chuẩn kỹ năng liên quan như là một bước đi quan trọng hướng tới một bộ khung công nhận trình độ tay nghề lẫn nhau trong ASEAN.”

Các văn bản Chiến lược Phát triển Giáo dục, Chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đều xác định một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với khung trình độ của khu vực và thế giới.

Trong quá trình xây dựng, Việt Nam đã tham khảo khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và khung trình độ của nhiều quốc gia khác như: Anh, Australia, New Zealand…

Điều này giúp cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ giữa Việt Nam và các nước ASEAN diễn ra dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động và sinh viên các nước trong khu vực khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng xây dựng Đề án về Khung trình độ quốc gia với 8 bậc trình độ, bao gồm hai cấu phần chính thống nhất với nhau là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, ba bậc 6,7,8 (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ) thuộc giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, năm bậc còn lại thuộc giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng (cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ 1,2,3). Mỗi bậc trình độ được mô tả rõ ràng và liên kết với nhau theo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm.

Chính vì vậy, hệ thống trình độ của Việt Nam sẽ bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện cho việc công nhận trình độ và học suốt đời. Dự thảo Đề án xây dựng và quản trị Khung trình độ đang được hai Bộ khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia Nhóm công tác xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN từ năm 2012, có đại diện của 3 Bộ: Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo.

Khung tham chiếu trình độ của ASEAN đã được các Bộ trưởng Kinh tế phê chuẩn tháng 8/2014, sau đó các Bộ trưởng Giáo dục phê chuẩn vào tháng 9/2014. Việc trưng cầu phê chuẩn Khung tham chiếu trình độ ASEAN của các Bộ trưởng Lao động ASEAN đã hoàn tất vào tháng 5/2015.

Trong thời gian tới, các đại diện của Việt Nam vẫn tiếp tục tham gia Nhóm công tác để bàn thảo về tiến trình tham chiếu và quản trị Khung tham chiếu trình độ ASEAN.


Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với khu vực và quốc tế

Việc đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam đã được quy định từ Luật Dạy nghề 2006 và được chuyển sang Luật Việc làm 2013, có hiệu từ tháng 1/2015. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 31/NĐ-CP ngày 24/3/3015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2015.

Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo hướng tương thích hơn với các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế. Các bộ tiêu chuẩn đã ban hành trước đây cũng sẽ được rà soát, cập nhật phù hợp với sự thay đổi của kỹ thuật-công nghệ và thị trường lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung phát triển chương trình, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề, trong đó ưu tiên xây dựng, ban hành các chuẩn đầu ra cho từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia được ban hành. Tất cả các nghề trọng điểm được tập trung xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn đầu ra.

Bộ đã và đang chuyển giao 80 bộ chương trình cấp độ khu vực ASEAN và 60 chương trình, giáo trình cấp độ quốc tế; xây dựng 50 bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; tổ chức thí điểm và hướng dẫn đánh giá đầu ra cho học sinh, sinh viên về kỹ năng tin học, tiếng Anh...

Đối với công tác đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và quốc tế; tiếp tục đào tạo thí điểm 2.750 sinh viên trình độ cao đẳng cho 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN theo 34 bộ chương trình đã được chuyển giao từ nước ngoài giai đoạn 2011-2015; đào tạo thí điểm 4.000 sinh viên trình độ cao đẳng nghề cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, chuyển giao từ nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, Bộ thí điểm đánh giá trình độ tiếng Anh và kỹ năng Tin học cơ bản 3 năm liền cho 150.000 học sinh, sinh viên năm cuối của các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề; triển khai nhân rộng đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho khoảng 300.000 người (khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp) theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Đây cũng là những trọng tâm nhằm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu đến năm 2020, công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ đạt được mục tiêu: “đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.”

Việc công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Năm 2010, Việt Nam đã tham gia dự án thử nghiệm đánh giá công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề hàn và nghề công nghệ ôtô Tiểu vùng sông Mê Kông có sử dụng Mô hình tiêu chuẩn năng lực khu vực do Tổ chức Lao động Quốc tế xây dựng cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tới đây, tiểu vùng sẽ thực hiện việc công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề cho một số nghề thuộc du lịch, dịch vụ, hàn, công nghệ ôtô; xây dựng tiêu chuẩn chung về đào tạo giáo viên dạy nghề…

Hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện tương đối đầy đủ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, việc hội nhập toàn cầu, trước hết là việc tham gia Cộng đồng ASEAN là xu thế khách quan, tạo cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, thách thức lớn cho những nước đang phát triển như Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ lao động Việt Nam vừa có cơ hội phát triển về số lượng, chất lượng và tham gia vào thị trường lao động của các nước; vừa chịu thách thức về sự cạnh tranh với lao động nước ngoài không những ở thị trường lao động thế giới mà còn ngay ở thị trường lao động trong nước. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, hơn ai hết, mỗi lao động Việt Nam cần tiếp tục học hỏi, cập nhật những kỹ năng mới nếu không sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục