Mất điện toàn diện

Chung cư cao cấp Keangnam: Mất điện toàn diện

Hơn 70 tuổi, leo thang bộ cả 48 tầng gác, nhưng ông Trạch không tìm được hai đứa trẻ tội nghiệp đang kẹt thang ở đâu trong cảnh tối om.

Sáu cư dân tòa nhà cao nhất Việt Nam, trong đó có hai cháu nhỏ bỗng dưng bị nhốt chặt trong thang máy vì sự cố mất điện vào tối ngày 23/5.

Sự việc xảy ra một lần nữa lại làm dấy lên cơn song mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu trong lòng chung cư hiện đại nhất này.

Gần nửa tiếng kẹt trong thang máy

Theo phản ánh mới nhất từ cư dân Keangnam, tối 23/5 vừa qua, cả hai tòa nhà A và B của Keangnam bất ngờ bị mất điện. Sự cố này khiến 6 cư dân bị mắc kẹt lại bên trong thang máy gần nửa giờ đồng hồ.

Trao đổi với Vietnam+ sáng sớm ngày hôm nay, 28/5, anh Minh Hoàng, cư dân tòa B cho hay: “Vào khoảng từ 19 giờ 20 phút đến 19 giờ 45 phút ngày 23/5, toàn bộ hệ thống điện tại tòa nhà A và B bỗng dưng bị mất. Kéo theo đó, thang máy của tòa nhà cũng bị dừng.”

Điều đáng nói, lúc này, trong thang máy còn có sáu cư dân của tòa nhà bị mắc kẹt lại.

“Trong suốt 25 phút bị ‘giam’ trong thang máy, họ không hề nhận được sự trợ giúp nào từ phía đơn vị quản lý tòa nhà,” anh Hoàng bức xúc nói.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Trạch, Tổ trưởng tổ dân phố Keangnam phản ánh thêm, khi mất điện, ông có nhận được các cuộc gọi kêu cứu của những người kẹt trong thang máy.

Cũng theo ông Trạch, qua điện thoại, ông cũng nghe thấy có tiếng trẻ em khóc nấc lên. Và người đàn ông  tuổi thất thập này đã tất tưởi leo bộ từng tầng thang mong tìm được hai cháu bé nhưng không sao tìm thấy.

“Toàn bộ tòa nhà đều tối om, nên tôi cũng không thể có cách nào để giúp họ. Nghe tiếng họ kêu cứu, bác ơi cứu cháu với mà tôi thót tim nhưng không biết họ bị kẹt ở thang nào, tầng nào.”

Qua tìm hiểu sâu, Vietnam+ được cho hay, sáu người mắc kẹt trong tối 23/5 đều sống tại tầng 43. Riêng 2 cháu nhỏ hiện đang ở căn hộ số A4304. Người nhà hai cháu bé cho biết, khi bị “nhốt” trong thang máy tối thui, do thiếu oxy nên  hai cháu nôn rất nhiều, sau một hồi kêu cứu, hoảng sợ, 2 cháu đã ngất xỉu, sau 24 phút, có điện trở lại nên mới thoát ra được, rất may hai bé chưa bị rơi vào tình cảnh thiếu oxy ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng tâm lý thì bị trấn động nhiều sau sự cố."

Bức xúc vì sự cố "không thể tưởng tượng nổi" xảy ra tại tòa nhà luôn được chủ đầu tư tự hào là hiện đại bậc nhất Việt Nam, đại đa số những người sinh sống tại Keangnam Landmark Tower đều tỏ ra thất vọng  và lo lắng cho sự an nguy của mình.

“Chỉ cần nhìn vào việc khi tòa nhà mất điện mà hệ thống điện dự phòng tòa nhà (Backup Power) lại không phát huy tác dụng thì có thể thấy rõ chất lượng của tòa nhà ‘tốt’ đến mức nào,” anh K. một cư dân tại tòa nhà cho biết.

Chính việc này đã khiến cho toàn bộ tòa nhà tối om, thậm chí cả thang máy cũng dừng không thể vận hành được.

Không những thế, mặc dù sự cố mất điện diễn ra trong vòng nửa tiếng (từ 19h20 đến 19h45), cư dân bị mắc kẹt trong thang máy nhưng không hề nhận được sự trợ giúp, cứu hộ cần thiết từ lực lượng bảo vệ hay Ban quản lý tòa nhà.

Sự cố này cũng làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân sinh sống tại tòa nhà. Chị L., cư dân sống tại căn B2906 cho hay: “Mẹ tôi phải ra sân bay  vào Sài Gòn 19 giờ 50, đợi mãi đến hơn 19 giờ 30 mà vẫn chưa có điện, tôi nghĩ chắc phải xách hai chiếc vali đi cầu thang bộ xuống từ lầu 29. Cũng may là vừa mang ra cửa thì điện có lại, nếu trễ chút chắc chắn cả nhà tôi phải leo bộ từ tầng 29 tối om rồi, và có thể không kịp chuyến bay nữa.”

Quản lý tòa nhà: Thêm một lần phủi tay

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phố,  công an khu vực và đại diện cư dân Keangnam đã có mặt tại văn phòng Công ty quản lý Chesnut, yêu cầu gặp lãnh đạo trực và lập biên bản ghi nhận sự việc, nhưng không nhận được sự hợp tác.

Thậm chí Quản lý Lee - người Hàn Quốc đã qua điện thoại ra lệnh cho nhân viên không lập, không ký biên bản, đóng cửa văn phòng. Công an yêu cầu ông Lee có mặt để làm việc nhưng ông này cũng không tới.

Hai ngày sau khi xảy ra sự cố nguy hiểm, vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Công ty Quản lý Chesnut, rất đông cư dân Keangnam đã tỏ ra rất bức xúc trước thái độ thờ ơ này.

“Việc thang máy dừng giữa chừng cũng đã từng xảy ra tại cơ quan tôi làm việc, nhưng chỉ sau 5 phút, hệ thống điện đã được cấp lại. Vậy mà, giữa tòa nhà được mệnh danh hiện đại nhất này lại có cảnh sáu người bị ‘giam’ gần nửa giờ đồng hồ trong thang tối, trong đó hai cháu bé đã bị ngất. Điều này là không thể chấp nhận được,” một cư dân sống tại căn A1404 bức xúc.

Hơn thế nữa, thái độ bất hợp tác, từ chối việc lập biên bản và làm việc với cộng đồng càng khiến con sóng tại Keangnam dâng lên cao hơn nữa.

“Rõ ràng, khi cố sự cố xẩy ra, Keangnam và Chesnut sẵn sàng hành xử theo kiểu bỏ mặc cư dân một cách vô trách nhiệm và vô văn hóa,” một cư dân phẫn nộ.

Chất lượng kém hay kỹ thuật vận hành kém?

Sự kiện hệ thống điện dự phòng của tòa nhà (Back up power) đã không hoạt động  khiến cư dân Keangnam vô cùng lo lắng. “Hệ thống điện dự phòng không hoạt động khi sự cố xảy ra là rất nguy hiểm và cũng khiến tôi hoài nghi về các hệ thống cao cấp khác của Keangnam. Nếu hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler systems) cũng không hoạt động thì mãi mãi không còn có cơ hội nào sửa sai nữa.Tôi đành tự cứu mình trước khi trời cứu nên vừa phi ra Yết Kiêu mua một số thiết bị cứu hỏa. Hy vọng có, nhưng không bao giờ phải dùng đến nó,” cư dân sống tại căn A4311 lo lắng nói.

Chị T. ở căn B3305 chia sẻ: "Tôi tin rằng, đã qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, hẳn các hệ thống cứu hỏa, cứu nạn, điện dự phòng... đều đủ tiêu chuẩn chất lượng. Các cơ quan hữu quan sẽ không vì bất cứ lý do gì mà cho phép tòa nhà vận hành nếu sẽ có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của 900 hộ cư dân, nghĩa là khoảng 4000 con người. Tuy nhiên, sự cố này cũng như nhiều sự cố khác đã xảy ra như tràn nước thang máy, vỡ đường ống nước, báo động nhầm ba lần... đã bộc lộ một số vấn đề trong đó nổi lên là việc vận hành, xử lý kỹ thuật yếu kém của nhân viên ban quản lý và hệ thống an toàn, kỹ thuật đã không được kiểm tra định kỳ, thường xuyên."

Ngày 25/5, Ban đại diện lâm thời của cư dân đã có công văn gửi tới Keangnam yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến sự cố vừa qua. Ban đại diện cho rằng hệ thống dự phòng kỹ thuật của tòa nhà đã và đang không hoạt động ổn định, có nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đến đời sống của hàng ngàn con người. Tinh thần trách nhiệm và thái độ của Lãnh đạo công ty Quản lý không tốt.

Sự việc tại tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam một lần nữa khiến dư luận nhớ tới vụ việc đau lòng xảy ra tại chung cư CT3 Yên Hòa tháng 9/2011. Cũng vì thang máy đột ngột mất điện nên một người đã bị mắc kẹt bên trong. Mặc dù Lực lượng bảo vệ đã tiến hành cạy cửa để đưa nạn nhân ra khỏi thang máy. Khi cánh cửa thang máy vừa mở, nạn nhân  hoảng loạn chui ra và trượt chân rơi xuống từ tầng 4, tử vong tại chỗ.

Cũng qua sự việc lần này, cộng đồng đang đặt ra những dấu hỏi lớn về chất lượng cũng như thái độ của chủ đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục