Chứng khoán châu Á tiếp tục "đỏ sàn" phiên thứ hai liên tiếp

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì "sắc đỏ" trong phiên giao dịch ngày 24/2, giữa bối cảnh giá dầu lại chứng kiến thêm một phiên trượt dài.
Chứng khoán châu Á tiếp tục "đỏ sàn" phiên thứ hai liên tiếp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nối tiếp đà giảm từ phiên trước, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì "sắc đỏ" trong phiên giao dịch ngày 24/2, giữa bối cảnh giá dầu lại chứng kiến thêm một phiên trượt dài sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Ali Al-Naimi, bác bỏ khả năng các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng dư cung.

Thêm vào đó, các số liệu kinh tế đáng thất vọng mới đây từ châu Âu và Mỹ càng đẩy giới đầu tư rời xa thị trường chứng khoán để tìm đến các "nơi trú ẩn an toàn" như vàng và đồng yen.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI Khu vực châu Á -Thái Bình Dương ( trừ Nhật Bản) đã để tuột mất đà đi lên ở đầu phiên để quay đầu hạ 1,4%.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng giảm 136,26 điểm (0,85%), xuống 15.915,79 điểm, do đồng yen mạnh lên tác động tiêu cực tới các nhà xuất khẩu "Xứ sở hoa anh đào."

Không khí ảm đạm của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này còn bắt nguồn từ các tín hiệu kém lạc quan từ kinh tế Mỹ và Đức.

Cụ thể, chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2/2016 giảm xuống mức 92,2, từ mức tương ứng 97,8 của tháng trước đó, với đánh giá bối cảnh hiện tại và triển vọng trong sáu tháng tới đều suy giảm.

Trong khi đó, chỉ số lòng tin kinh doanh của Đức trong tháng Hai cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, làm dấy lên lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu.

Hiện giới đầu tư đang hướng sự quan tâm vào cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/2 tới tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Tại thị trường Sydney và Seoul, chỉ số S&P/ASX 200 và Kospi cũng lần lượt hạ hơn 2% và 0,09%, do giá dầu giảm sâu khiến các mã cổ phiếu năng lượng đồng loạt hạ. Giá dầu thế giới đã mất tới hơn 4% trong phiên 23/2.

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng trên, tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại đổi màu nhờ hy vọng vào các biện pháp cải cách kinh tế mới sẽ được đưa ra tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc, được tổ chức thường niên vào tháng Ba tới.

Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite tăng 25,57 điểm (0,88%), lên 2.928,90 điểm. Dù vậy, thị trường chứng khoán Hong Kong vẫn không thể đảo ngược tình thế khi chỉ số Hang Seng mất 222,33 điểm (1,15%), xuống 19.192,45 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục