Chứng khoán Mỹ có 1 tuần khởi sắc bất chấp số liệu kinh tế kém

Chứng khoán Mỹ đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần (2/10) trong xu thế tích cực nhờ đà đi lên vào cuối phiên, góp phần giúp Phố Wall có một tuần tăng điểm.
Chứng khoán Mỹ có 1 tuần khởi sắc bất chấp số liệu kinh tế kém ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần (2/10) trong xu thế tích cực nhờ đà đi lên vào cuối phiên, góp phần giúp Phố Wall có một tuần tăng điểm.

Tuy nhiên, số liệu không như kỳ vọng của thị trường việc làm Mỹ vẫn phủ bóng đen lên các sàn giao dịch khi nó khiến giới đầu tư lại dấy lên những lo ngại về triển vọng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Khép lại tuần qua, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 157,70 điểm (0,97%) lên chốt tuần ở 16.472,37 điểm; S&P 500 tăng 20,02 điểm (1,04%) lên 1.951,36 điểm và Nasdaq Composite tăng 21,20 điểm (0,45%) lên 4.707,78 điểm.

Đà đi lên này trái ngược với tâm lý bi quan đang ngày càng tăng rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ khó mà thoát khỏi những tác động tiêu cực từ việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kinh tế châu Âu tiếp tục trì trệ.

Một số tổ chức và các chuyên gia phân tích hàng đầu vẫn cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đi lên trong những tháng cuối của năm 2015 này, trong đó Goldman Sachs dự báo S&P 500 sẽ chinh phục trở lại mốc 2.000 điểm vào cuối năm nay sau khi đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm vào quý 3 vừa qua.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng bày tỏ những lo ngại về báo cáo thị trường việc làm vừa được công bố ngày 2/10.

Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế số một thế giới chỉ tạo thêm được 142.000 việc làm trong tháng Chín, thấp hơn nhiều so với con số 205.000 mà các nhà phân tích dự đoán trước đó. Chính phủ Mỹ cũng đã từng cắt giảm các dự báo về việc làm được tạo ra trong các tháng Bảy và Tám.

Chuyên gia phân tích Hugh Johnson tại Hugh Johnson Advisors cho rằng số liệu việc làm mới nhất này cho thấy nền kinh tế Mỹ rõ ràng là đang yếu đi nhiều hơn dự kiến và từ "suy thoái" thậm chí đã bắt đầu manh nha xuất hiện.

Thêm vào đó, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được công bố trong tuần cũng cho thấy hoạt động của ngành công nghiệp đã chững lại trong tháng Chín.

Gregori Volokhine, Chủ tịch Meeschaert Capital Markets, nhận định: "Chúng ta đang dần hiểu được vì sao Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen vẫn ngần ngại tăng lãi suất tại cuộc họp về chính sách của Fed hồi tháng Chín vừa qua."

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Mỹ không chỉ một gam màu xám. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng Chín tăng so với tháng Tám; doanh số bán ô tô cũng tiếp tục tăng mạnh.

Bên ngoài nước Mỹ, các số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc và kinh tế khu vực châu Âu vẫn tiếp tục "lình xình", gây lo ngại cho giới đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục