Chứng khoán: Sóng cuối năm đem về một "Tết ấm"

Ở thời điểm cách đây hơn hai tháng, thị trường chứng khoán vẫn ở trong trạng thái lình xình, thanh khoản ảm đạm, ít ai trong ngành chứng khoán lại “mơ mộng” đến một kỳ nghỉ Tết tươm tất, thoải mái.

Thế nhưng khi thị trường bất ngờ lấy lại đà tăng vào những ngày cuối năm cho đến tận phiên cuối trước nghỉ lễ thì ít nhiều giới đầu tư cũng thở phào để gác lại những lo toan, tính toán công việc và có được cái Tết Quý Tỵ tạm "ấm áp."
Thị trường nghỉ lễ tới 9 ngày, vì thế Nguyễn Hải (nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc tầm trung trên thị trường) đã quyết định sẽ về quê ăn Tết.

Không lỉnh kỉnh như mọi năm, Hải chỉ mang về một giỏ quà để mẹ thắp hương cúng ông, bà. Mặc dù rất muốn sắm sửa chút quà cho bố, mẹ và hai đứa cháu con của chị gái, song với thu nhập cuối năm khá khiêm tốn nên Hải cũng không dám “vung tay”.

Một cái kết… có hậu

Ở thời điểm cách đây hơn hai tháng, thị trường chứng khoán vẫn ở trong trạng thái lình xình, thanh khoản ảm đạm, ít ai trong ngành chứng khoán lại “mơ mộng” đến một kỳ nghỉ Tết tươm tất, thoải mái.

Thế nhưng vào những ngày cuối năm này, thị trường chỉ còn một vài phiên nữa là dừng nghỉ lễ thì ít nhiều mọi người cũng đã  có thể  thở phào, gác lại những lo toan, tính toán về công việc để nghĩ đến cái Tết.

Hải cho biết, công việc môi giới của mình mặc dù có một phần lương cứng nhưng rất ít nên thu nhập cơ bản là hưởng từ doanh thu. Song, thị trường tuột dốc từ tháng Năm cho tới gần đây, nhà đầu tư rút ra gần hết, những môi giới níu bám lấy thị trường như Hải, phí thu về không ăn thua mà tham gia đầu tư thì vốn cứ ngót dần.

“Nhiều lúc em cũng nản, đi uống cà phê cùng mấy anh trong công ty, đứng lên ai cũng phải lúng túng chuyện trả tiền, mà thấy buồn lòng. Hơn hai trăm triệu vay của bố, mẹ làm vốn, mỗi lần ngó vào tài khoản lại thấy nghẹn thở. Không biết cuối năm sẽ phải nói với gia đình sao đây.

Nhưng bây giờ thì may rồi, sau đợt sóng tương đối mạnh vừa rồi, tính cả lãi đầu tư và thu nhập từ môi giới thì em cũng đã có một chút để trả đỡ bố, mẹ,” Hải tâm sự.

Không chỉ nhân viên, mà đến lãnh đạo các công ty chứng khoán cũng phần nào chút được gánh nặng. Giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, mặc dù nhân sự trong công ty cả hai miền chỉ khoảng hơn 30 chục người, nhưng lo chi phí và không nợ lương cũng toát mồ hôi, nói gì đến thưởng.

“Song đợt tăng trưởng lần này của thị trường quả thật là khá bất ngờ và công ty cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, nhờ đó cũng có thể thu xếp tháng lương thứ 13, cho anh em đỡ tủi,” vị giám đốc trên nói.

Bên cạnh công ty chứng khoán, một nhân tố quan trọng khác làm nên thị trường là các nhà đầu tư cá nhân cũng bắt đầu tìm thấy sự hứng khởi sau thời gian dài mòn mỏi bám thị trường.

 “Ấm” không phải chỉ là thu nhập

Trên các sàn chứng khoán, bóng dáng nhà đầu tư lui tới giao dịch cũng đã đông hơn trước. Anh Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết cá nhân anh đã lạc quan hơn một chút và hoạt động đầu tư vừa qua đã mang lại cho anh khoảng 20% lợi nhuận.

Tuy nhiên, những ai đã theo đuổi thị trường từ đầu năm đến giờ thì hầu hết bị tổn thất khá nặng nề. Điều này đã khiến họ trở nên rất thận trọng trong các quyết định đầu tư của mình. Do đó, hiếm có nhà đầu tư nào vào kịp thời điểm ban đầu và kiên trì “ăn” trọn cả sóng.

Chiến lược bài bản và tuân thủ kỷ luật là nguyên tắc “vàng” mà anh Tuấn đặt ra. Chỉ đầu tư những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định và giá chứng khoán lên đến khu vực kỳ vọng là anh chốt lời.

Biết rằng, tỷ suất lợi nhuận sẽ không cao song không mất cả gốc lẫn lãi mới là mục tiêu, nên anh Tuấn đã quyết định dừng đầu tư từ cuối sóng, ở thời điểm giữa tháng Một.

Nhưng đợt sóng thứ hai của thị trường lại gối đầu khá mạnh mẽ, khiến anh Tuấn cũng không khỏi tiếc nuối. Bởi khoản thu nhập vừa kiếm được chỉ đủ mang tính chất động viên tinh thần chứ không thấm gì so với những mất mát mà anh đã bị thị trường cuốn đi trước đó.

“Tiếc thì có tiếc, nhưng cần phải kiềm chế lòng tham. Mua đuổi bán đuổi không ăn thua, nên bình tĩnh là hơn. Tôi quyết định nghỉ Tết sớm, tinh thần lúc này lạc quan và thoải mái hơn rất nhiều rồi, không gì bằng sức khỏe và sự yên ấm trong gia đình.

Thời gian thì còn dài, mà thị trường cứ biết chờ đợi là có cơ hội. Chứ như mấy tháng trước, lúc nào cũng thất thần, vợ con cũng không yên tâm, ăn bữa cơm gia đình mà không khí nặng nề đến ngột ngạt,” anh Tuấn chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, anh Hải cũng cho rằng, không chỉ là lợi nhuận kiếm được mà tinh thần cũng rất quan trọng với các thành viên tham gia vào thị trường chứng khoán. Thị trường sôi động, niềm vui lan tỏa rất nhanh, nụ cười trên môi đồng nghiệp, lãnh đạo, nhà đầu tư rồi đến cả người thân… cũng xuất hiện nhiều hơn.

Hải quay về lựa chọn một cái Tết giản dị, bên gia đình và mấy quyển sách mua đã khá lâu mà chưa có dịp đọc. “Có lẽ đây mới là cái Tết xa xỉ nhất mà em dành cho mình kể từ khi ra trường đến nay. Nhâm nhi mứt Tết với chén nước trà, trò chuyện làng trên, xã dưới cùng bố, mẹ…, thư giãn đọc sách bên hiên nhà, chỉ nghĩ thôi đã thấy bình yên rồi. Phải cảm ơn những thăng trầm của thị trường chứng khoán, để có thể nhận biết nhiều hơn về giá trị của cuộc sống này,” Hải trầm tư nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục